PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường công tác dân vận trong hoạt động hòa giải
Ngày 13/7/2020, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải. Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Ma Từ Đông Điền - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Nội chính, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đoàn thể tỉnh; Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Toà án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HDND và UBND tỉnh; Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy.

Qua báo cáo của Bộ Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với tham luận của các địa phương về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua, Hội nghị đã góp phần lý giải và làm sâu sắc hơn những đóng góp tích cực và vai trò quan trọng của công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, ngành Tư pháp và Tòa án trong hoạt động hòa giải vì mục tiêu bảo đảm cuộc sống hoà thuận, yên bình của người dân từ cơ sở.

Đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị khẳng định: Trong thời gian qua, cơ quan Dân vận, Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, Tòa án nhân dân các cấp đã làm tốt công tác dân vận trong hoạt động hòa giải. Thông qua hoạt động hòa giải, các cơ quan liên quan đã góp phần gìn giữ, phát huy đạo đức văn hóa tốt đẹp, truyền thống bản sắc dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội cùng vận động nhân dân chung tay xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Nhận thức về vai trò, vị trí và ý nghĩa của công tác dân vận nói chung và công tác dân vận trong hoạt động hòa giải đối với đời sống xã hội nói riêng của các cấp ủy đảng, chính quyền ngày càng được nâng lên. Hòa giải từ chỗ là một hoạt động tự phát trong nội bộ nhân dân đã trở thành hoạt động của một tổ chức quần chúng được Nhà nước thừa nhận, được người dân tin tưởng lựa chọn giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn.

Thể chế chính sách về hòa giải ở cơ sở ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho công tác này ngày càng đi vào nề nếp và hoạt động có hiệu quả. Hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở được tăng cường theo hướng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Mô hình hòa giải, đối thoại tại toà án đã được luật hóa, hoạt động theo nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên chắc chắn sẽ góp phần làm giảm số lượng các tranh chấp phải đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng.

Hoạt động phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận với ngành Tư pháp cùng cấp có sự chuyển biến, các hoạt động được triển khai xuyên suốt tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, hiệu quả hoạt động được nâng cao.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Nhận định hiện nay và trong thời gian tới, nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải trong xã hội có chiều hướng tăng lên đặt ra yêu cầu đối với công tác dân vận trong công tác hòa giải cần tiếp tục nâng cao và phát huy hiệu quả hơn nữa. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp đề nghị trong thời gian tới, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, ngành Tư pháp và Tòa án nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công của mình tiếp tục quan tâm ủng hộ, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng nhau thực hiện tốt chức năng dân vận khéo trong hoạt động hòa giải nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hòa giải, qua đó thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan. Ngành Tư pháp tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở bảo đảm có trình độ, từng bước chuyên nghiệp hóa, biết vận dụng kỹ năng hòa giải, kỹ năng dân vận khéo trong quá trình hòa giải các vụ việc cụ thể; tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò và ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở giúp người dân thấy rõ lợi ích của việc hòa giải ở cơ sở, hình thành thói quen sử dụng phương thức này để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột tại cộng đồng dân cư.

Tại tỉnh Bắc Kạn, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp chính quyền cơ sở đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và tầm quan trọng của công tác hoà giải cơ sở, quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải. Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 1.410 tổ hòa giải với 7.329 hòa giải viên. Thành phần tổ hòa giải gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Trưởng các đoàn thể, Trưởng các chi hội, người có uy tín... Tổ trưởng tổ hòa giải thường là Bí thư chi bộ hoặc Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận. Đội ngũ hòa giải viên đều là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về phong tục tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở. Đối với những địa bàn có nhiều thành phần dân tộc sinh sống đều có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ nữ tham gia đảm bảo theo đúng quy định.

Qua 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả, tạo bước chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở, hầu hết các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên. Công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên luôn được chú trọng. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

Hương Dịu