PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/06/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trong những năm qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng có diễn biến phức tạp, xảy ra ở cả hình thức lừa đảo truyền thống và thông qua mạng viễn thông, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống Nhân dân. Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm, thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương như: Tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép, thông qua các hội nghị chuyên đề, hoạt động thông tin lưu động, các chương trình biểu diễn nghệ thuật; các tin bài, tờ rơi, các mô hình quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm…

Công an phường Phùng Chí Kiên (TP Bắc Kạn) tuyên truyền cho người dân cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh sưu tầm)

Trong 2 năm (2020 - 2021), cả tỉnh đã tổ chức thực hiện được 35 phóng sự truyền hình; 127 bài viết; 101 tin, ảnh đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương phản ánh về công tác phòng chống tội phạm, đồng thời tuyên truyền về pháp luật. Cùng với đó, ngành chức năng đã cấp trên 40.000 tờ rơi, tờ gấp, trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lực lượng Công an cũng đã phối hợp gửi trên 40.000 tin nhắn có nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; duy trì, củng cố hoạt động của 42 mô hình tổ chức quần chúng làm công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở. Trong đó, mô hình “Hộ an toàn - Thôn, bản, tổ dân phố bình yên” được xây dựng ở hầu hết các xã, phường, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với 46.736 lượt hộ gia đình tham gia.

Hằng năm, tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu chấp hành pháp luật. Nghiêm cấm tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời trình báo, tích cực phối hợp cung cấp thông tin cho lực lượng Công an khi có vụ việc xảy ra. Tích cực phối hợp với lực lượng Công an rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh hoạt động lừa đảo, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ sở pháp lý, chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng và ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh áp dụng các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, tư vấn khách hàng khi đến giao dịch chuyển tiền; chú ý phát hiện các giao dịch nghi hoạt động của tội phạm, chủ động trao đổi với lực lượng Công an; tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, hỗ trợ giải pháp truy tìm đối tượng.

Cùng với những hoạt động đó, tỉnh thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự nói riêng. Thường xuyên tổ chức vận động quần chúng, huy động cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang tham gia hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong 2 năm qua, cả tỉnh không phát hiện trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tham gia hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công tác tiếp nhận, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục được tăng cường. Từ năm 2020 đến nay, cơ quan điều tra các cấp thụ lý 14 vụ, 9 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thực hiện tốt việc kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết các tin báo về tội phạm và hoạt động điều tra đối với 14 vụ án, 9 bị can liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 10 vụ án, 10 bị cáo (bao gồm cả sơ thẩm và phúc thẩm) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó đã xét xử 8 vụ, 8 bị cáo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Theo cơ quan chuyên môn dự báo, thời gian tới, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là thông qua mạng internet, viễn thông vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, một số đối tượng lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công nghệ thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh, hiện cũng có cán bộ, viên chức do nhẹ dạ, cả tin đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân... Vì vậy, thời gian tiếp theo, tỉnh tiếp tục quan tâm tuyên truyền, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xử lý các đối tượng phạm tội nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả các mô hình tự quản, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm tại cơ sở. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp với các loại tội phạm; phát hiện, triệt xóa các đường dây, ổ nhóm, đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.

Ngọc Tú