PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường quảng bá, giới thiệu để nông sản Bắc Kạn mở rộng thị trường
Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương đến với người tiêu dùng, qua đó đưa sản phẩm nông sản của Bắc Kạn vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Những sản phẩm thế mạnh

Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có Hồng không hạt Bắc Kạn và Quýt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tỉnh có vùng trồng cam quýt khoảng 3.300ha, tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể; sản lượng năm 2019 đạt trên 20.000 tấn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy giá trị cây trồng, thời gian gần đây, các địa phương tập trung hướng dẫn người dân cải tạo, thâm canh tăng năng suất, chất lượng, mở rộng diện tích sản xuất an toàn thực phẩm hoặc áp dụng quy trình VietGAP đối với cây cam, quýt bản địa. Đối với Hồng không hạt được xác định là một trong những loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 760ha cây hồng không hạt, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 500ha, có 08ha diện tích được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc VietGAP.

Cùng với đó, miến dong Bắc Kạn cũng được coi là một trong những sản phẩm nông sản chính được tỉnh quan tâm phát triển. Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu miến dong của tỉnh Bắc Kạn như: Miến dong Nhất Thiện, Miến dong Triệu Thị Tá, Miến dong Tài Hoan… ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưu chuộng. Riêng Miến dong Nhất Thiện đã được công nhận là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 03 lần liên tiếp. Miến dong Tài Hoan hiện đang được Công ty Tamda Foods hoàn hành các thủ tục để đưa sản phẩm vào hệ thống của Trung tâm thương mại của Công ty tại Cộng hòa Czech… Vùng trồng cây dong riềng trên địa bàn tỉnh trung bình đạt 1.000ha, sản lượng miến hàng năm đạt trên 1.000 tấn.

Miến dong Tài Hoan là sản phẩm OCOP-BK đạt tiêu chuẩn 04 sao cấp tỉnh

Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 40 mô hình, sản phẩm nông sản đặc sản có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng và có tiềm năng củng cố, hỗ trợ thúc đẩy nhân rộng như: Chè Shan tuyết, mơ, chanh leo, ba kích tím, các loại rau sạch/rau hữu cơ; các mô hình chế biến sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt như thịt trâu khô, lợn quay, xúc xích, sản xuất tinh dầu, chuối khô, miến gạo, các sản phẩm được chiết xuất từ củ nghệ, gừng, mật ong...

Đến nay, Bắc Kạn đã công nhận, phân hạng được 105 sản phẩm OCOP, trong đó có 68 sản phẩm năm 2019 và 37 sản phẩm năm 2018; có 08 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, trong số các sản phẩm OCOP-BK được công nhận hiện đã có 03 sản phẩm được cấp chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGap, 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, 4 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 7 sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể…

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá

Để nông sản Bắc Kạn không ngừng vươn xa, thâm nhập thị trường ngoài tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm nông sản thông qua việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tại các thành phố lớn trên cả nước. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, chiến lược truyền thông tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản tiêu biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết, gắn kết sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị. Góp phần tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, dịch vụ cho tỉnh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bắc Kạn.

Sản phẩm nông sản Bắc Kạn được giới thiệu tại Thành phố Hà Nội

Trong năm 2018 và 2019, tỉnh đã tổ chức thành công chuỗi các sự kiện trong chương trình “Tuần lễ cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn năm 2018”; “Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019”. Qua đó đã bước đầu mang lại hiệu quả, quảng bá và phát huy giá trị nông sản, đặc sản của Bắc Kạn, kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của địa phương. Theo thống kê của Sở Công Thương, tổng doanh thu các sản phẩm chủ lực của tỉnh bày bán tại “Tuần lễ lễ giới thiệu Hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019” đạt khoảng trên 1,2 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm bán với số lượng khá lớn như: Hồng không hạt của Hợp tác xã Đồng Lợi (Ba Bể) và Hợp tác xã Tân Phong (Chợ Đồn) sản lượng bán 4,7 tấn, trong đó có 0,3 tấn được đưa vào bán tại siêu thị Big C; miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan bán được 1,6 tấn; gạo Japonica bán được 1,2 tấn; nếp Khẩu nua lếch bán được 0,8 tấn; gạo Bao thai 0,5 tấn; bí xanh thơm 2,7 tấn...

Tiếp nối thành công 02 sự kiện trên, từ ngày 10 - 12/7/2020 tới đây, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tổ chức “Tuần lễ giới thiệu Bí xanh thơm, Gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tại thành phố Hà Nội” tại 02 địa điểm là Siêu thị VinMart Times City và Siêu thị VinMart Trung Hòa. Mục đích nhằm cụ thể hóa kế hoạch triển khai hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời quảng bá, xây dựng và phát triển sản phẩm Bí xanh thơm, gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn, từ đó nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng đối với việc ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất; giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm đặc sản tỉnh Bắc Kạn, tạo thói quen mua sắm sản phẩm nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây cũng là cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn nói chung và Bí xanh thơm, Gạo Japonica nói riêng tại thị trường nội địa, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội.

Việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thương mại đối với những sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh những năm qua đã thực sự tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giao lưu, trao đổi, tiếp cận thị trường và ký kết các hợp đồng kinh tế. Đồng thời, định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của địa phương. Qua đó góp phần nâng cao giá trị nông sản, ổn định đầu ra cho sản phẩm, từng bước khẳng định giá trị các thương hiệu nông sản của Bắc Kạn trên thị trường./.

 

Thu Cúc