PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/05/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Quán triệt Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, những năm qua, các lễ hội trên địa bàn tỉnh cơ bản được tổ chức trang trọng, văn minh, tiết kiệm, qua đó giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc, đồng thời gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch tại địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Lễ hội Mù Là - một trong những lễ hội được quan tâm quy hoạch không gian và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc

Trên địa bàn tỉnh có 51 lễ hội truyền thống, trong đó 03 lễ hội cấp huyện, thành phố, 28 lễ hội cấp xã và 20 lễ hội cấp thôn, bản, đây là những lễ hội có quy mô nhỏ gắn với các hoạt động tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số nên thời gian tổ chức không kéo dài thường chỉ từ một đến 2 ngày và chủ yếu diễn ra vào dịp đầu năm. Một số lễ hội truyền thống dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc được tổ chức thường niên như: Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày (huyện Ba Bể, Bạch Thông, Ngân Sơn, Pác Nặm, Na Rì và thành phố Bắc Kạn); lễ hội Mù Là của dân tộc Mông (xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm); lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao (xã Đổng Xá, huyện Na Rì)… Tỉnh có 02 lễ hội truyền thống đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ cầu năm mới, cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao; Lễ hội Lồng tồng Ba Bể).

Việc quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả. Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 41-CT/TW, UBND tỉnh đã ban hành 30 công văn, 02 kế hoạch, 02 quyết định chỉ đạo các cấp, ngành về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, phục dựng lễ hội, triển khai thực hiện Chỉ thị; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành trên 70 văn bản về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân và khách du lịch thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị 41 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các cơ quan báo chí, các trang thông tin của ngành và của tỉnh đã tăng cường xúc tiến, quảng bá các di sản văn hóa thông qua việc giới thiệu các lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Việc phân cấp trách nhiệm quản lý cụ thể về lễ hội tại địa phương được thực hiện thống nhất. Việc đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội quy định rõ ràng, thủ tục đơn giản, tăng thẩm quyền cho UBND cấp huyện, cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tổ chức lễ hội tại địa phương. Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, ngành chức năng cũng đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhằm đảm bảo các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội chấn chỉnh biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội, góp phần đưa các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đi vào cuộc sống.

Đến nay, các lễ hội truyền thống đã thực sự làm phong phú tinh thần nhân dân, bù đắp cho các sinh hoạt văn hóa hàng ngày của nhân dân. Bên cạnh đó, sinh hoạt lễ hội do chính cộng đồng địa phương sáng tạo và chính họ là người hưởng thụ; là nơi giúp các cộng đồng dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa của địa phương. Từ đó, các trò chơi dân gian như: Lẩy cỏ, múa nộc niệc, tung còn, đánh cù, hát giao duyên, hát lượn cọi, hát sli... được bảo tồn, duy trì và phát triển. Đồng thời nâng cao tình đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, chính trị trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các lễ hội ngày càng mang tính chuyên nghiệp, tạo ra doanh thu và hiệu quả đầu tư, đặc biệt loại hình lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch đã tạo ra sự đột phá tuyên truyền quảng bá những tiềm năng thế mạnh, thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương, quảng bá hình ảnh và đất nước con người Bắc Kạn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong văn hóa du lịch, tạo dấu ấn với du khách trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như sự kiện Tuần Văn hóa du lịch Ba Bể; chương trình “Không gian Ba Bể - Miền Quê”… được tỉnh tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc.

Công tác quy hoạch không gian lễ hội cũng được tỉnh quan tâm thực hiện gắn với công tác phát triển du lịch tại địa phương, đầu tư quy hoạch và xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở. Quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm mở rộng, các khu dịch vụ ăn uống, quầy hàng văn hóa phẩm được đưa ra ngoài khu di tích; công tác vệ sinh môi trường trong các lễ hội nhìn chung được đảm bảo, nhiều địa phương đã mở rộng hạ tầng giao thông, phân luồng giao thông; quy hoạch, xây dựng địa điểm trông giữ xe để phục vụ nhu cầu, đảm bảo sự tiện lợi cho du khách về thăm quan di tích, tham dự lễ hội như: Hội Lồng tồng Ba Bể, Lễ hội Mù Là huyện Pác Nặm, Lễ hội Lồng tồng xã Bằng Vân...Các nguồn thu từ tổ chức lễ hội và hoạt động của các di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chủ yếu để sử dụng cho việc đầu tư tu sửa, tôn tạo các di tích tại địa phương. Cụ thể, huyện Ba Bể dành nguồn kinh phí 4.450 triệu đồng để xây dựng Chùa Phố cũ; huyện Chợ Mới xây dựng Chùa Thạch Long và làm nhà chờ Đền Thắm với tổng kinh phí 7.350 triệu đồng; huyện Chợ Đồn tu sửa Đền Tiên Sơn kinh phí 530 triệu đồng; thành phố Bắc Kạn dành kinh phí 1.250 triệu đồng để xây dựng Đền Cô và làm đường lên Đền Mẫu. Ngoài ra, các địa phương đã tích cựcchỉ đạo thực hiện những giải pháp khắc phục lợi dụng di tích để trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan như: Tuyên truyền, định hướng cho phật tử, du khách về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tôn giáo, tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; động viên, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thờ tự, phật giáo thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW và Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, chú trọng khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống, tăng cường quảng bá, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du dịch, dịch vụ tại địa phương./.

Thu Trang