PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/06/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được chăm lo, phát triển toàn diện
Toàn tỉnh hiện có 78.188 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25% tổng dân số của tỉnh. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã cùng chung tay chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, bảo đảm quyền của trẻ em, dành những điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho trẻ em

Cùng với nguồn ngân sách của Trung ương, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động, huy động nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ triển khai xây dựng trường học, công trình nước sạch, điểm vui chơi, giải trí, tổ chức các sự kiện dành cho trẻ em.

Để bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19, việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ em được chú trọng thực hiện, đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh đã huy động các nguồn lực để tổ chức điều trị, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đảm bảo trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói riêng đều được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cả về thể chất và tinh thần.

Đầu tháng 5/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và toàn thể các tầng lớp nhân dân hỗ trợ các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn..., phấn đấu trong năm 2022, học sinh tại 100% thôn bản đều có thể tham gia học trực tuyến, không học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường hợp tác, huy động sự giúp đỡ, tài trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước như Bệnh viện tim Hà Nội, tổ chức ChildFund tại Việt Nam, tổ chức The VinaCapital Foundation, tổ chức Samaritan’s Purse, tổ chức Minors, … để góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Chăm lo, phát triển toàn diện trẻ em

Trên địa bàn tỉnh, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em được củng cố, phát triển, nâng cao về chất lượng. Các mô hình về bảo vệ trẻ em được mở rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 mô hình về bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; 2 mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, khuyết tật tại cộng đồng; 2 mô hình phòng ngừa trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; 3 mô hình phòng ngừa và trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; 10 mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, qua đó đã góp phần hạn chế và giảm thiểu tình trạng trẻ em trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghiện ma túy, bị xâm hại...

Khám sức khỏe cho trẻ em tại Trường Mầm non Vi Hương (Bạch Thông)

Hệ thống trường lớp được quan tâm xây dựng, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy và học. Trẻ em được chăm lo giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học. Hiện nay, tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%; tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng tuổi đạt 99,34%; tỷ lệ trẻ em đi học trung học cơ sở đúng tuổi đạt 98%; tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 100%; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng. Học sinh có tài năng, học sinh nghèo vượt khó học giỏi… được Quỹ Khuyến học các cấp động viên khuyến khích, hỗ trợ kịp thời.

Hội Khuyến học tỉnh trao quà cho học sinh có thành tích học tập tốt tại Trường Tiểu học Đức Xuân nhân dịp khai giảng năm học mới 2020 - 2021

Các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em ngày càng được quan tâm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 công trình vui chơi dành cho thiếu nhi được đầu tư xây dựng là Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh và Vườn hoa tại thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì; có 30/108 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi đạt chuẩn dành cho trẻ em. Những năm gần đây, tỉnh đã tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao, mở các lớp võ Taekwondo, Bóng bàn, Cầu lông, Bơi lội, Bóng đá… cho thanh thiếu niên và nhi đồng; tổ chức các cuộc thi tuyên truyền, giới thiệu về sách; tổ chức các khóa huấn luyện ... thu hút đông đảo học sinh các lứa tuổi tham gia, giúp cho các em phát triển tốt về thể chất cũng như trao dồi thêm kiến thức, kỹ năng, hoàn thiện về nhân cách.

Hướng dẫn kỹ năng dựng trại cho các em tham gia khóa huấn luyện do Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức năm 2021

Thực hiện quyền tham gia của trẻ em, từ năm 2012 đến nay, đã có 8 Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, 6 Diễn đàn trẻ em cấp huyện và 7 Diễn đàn trẻ em cấp xã được tổ chức, thu hút gần 3.000 trẻ em tham gia. Thông qua hoạt động này đã giúp trẻ em được thể hiện năng lực bản thân, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với cấp ủy, chính quyền về các vấn đề liên quan đến trẻ em, để từ đó xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh dành cho trẻ.

Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được chăm lo phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức, tinh thần. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, ngân sách hạn hẹp nên trong công tác quy hoạch cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở giáo dục, y tế, thiết chế vui chơi, giải trí cho trẻ em còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, bạo lực còn xảy ra...

Tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp

Tổng kết, đánh giá thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định 7 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là:

(1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; hằng năm, đưa các chỉ tiêu về trẻ em lồng ghép vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tổ chức các hoạt động có hiệu quả, thiết thực đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là vào các dịp: Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Ngày Gia đình Việt Nam và Diễn đàn trẻ em các cấp.

(2) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có liên quan đến trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chú trọng tuyên truyền các mô hình, điển hình làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, giáo dục thông qua sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, thầy cô... Phát hiện và biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phê phán, lên án, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.

(3) Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến trẻ em. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với trẻ em; có chính sách phù hợp để hỗ trợ cho nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo...

(4) Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình về thực hiện quyền trẻ em.

(5) Tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tích cực huy động nguồn lực từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

(6) Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức các hoạt động, phong trào thiết thực, vận động toàn dân tham gia thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt, quan tâm, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi, khuyết tật.

(7) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em và thực hiện các quyền của trẻ em./.

Bích Huệ