PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/03/2018
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tập trung đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Thanh Bình
Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I có nhiều dự án được triển khai, tuy nhiên phần lớn chưa thực sự hiệu quả. Từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực kêu gọi đầu tư xây dựng giai đoạn II để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I có nhiều dự án được triển khai, tuy nhiên phần lớn chưa thực sự hiệu quả. Từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực kêu gọi đầu tư xây dựng giai đoạn II để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Những khó khăn

Những năm qua, cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) Thanh Bình giai đoạn I đã được đầu tư tương đối đồng bộ và đưa vào sử dụng phục vụ hoạt động của các nhà đầu tư với tổng diện tích là 62,1ha, trong đó diện tích cho thuê là 45,9ha; đất xây dựng hạ tầng là 17ha. Theo đó, có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa, có Trạm xử lý nước thải công suất 2.500m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý nước thải cho toàn bộ các dự án triển khai thực hiện trong KCN; có đường giao thông nội bộ, đường điện chiếu sáng và hệ thống cây xanh dọc các tuyến đường.

Hạ tầng Khu Công nghiệp được đầu tư khá đồng bộ

Từ năm 2007 đến nay có 13 lượt dự án của 10 nhà đầu tư đã đầu tư vào KCN Thanh Bình (năm 2007: 01 dự án; năm 2009: 03 dự án; năm 2011: 02 dự án; năm 2013: 02 dự án; năm 2016: 01 dự án; năm 2017: 03 dự án; đầu năm 2018: 01 dự án) nhưng phần lớn các dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ những năm trước đây không đạt hiệu quả. Nhiều dự án triển khai dở dang hoặc chấm dứt hoạt động. Một số nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã không thực hiện đúng tiến độ quy định; có doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về lao động; một số nhà đầu tư sử dụng diện tích đất tại vị trí thuận lợi nhất trong KCN nhưng thực hiện không đầy đủ nộp các khoản phí hạ tầng, phí dịch vụ công ích...

Xây dựng Khu công nghiệp Thanh Bình được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển lĩnh vực công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nhưng việc triển khai các dự án giai đoạn I chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp yếu về năng lực, dẫn đến không tự giác, chưa nghiêm túc chấp hành các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính; có doanh nghiệp chế biến khoáng sản sử dụng các thiết bị máy móc lạc hậu, dây chuyền công nghệ không đồng bộ, dẫn đến hoạt động chế biến khoáng sản kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được trên thị trường…

Tập trung giải quyết các tồn tại, hạn chế

Nỗ lực khắc phục những hạn chế tồn tại, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp. Trước tiên là nêu cao trách nhiệm quản lý trong công tác chuẩn bị đầu tư. Mặc dù việc thu hút đầu tư vào địa bàn miền núi nói chung và vào tỉnh Bắc Kạn nói riêng còn khó khăn, nhưng trong công tác lựa chọn đầu tư các dự án vẫn cần có trọng tâm, trọng điểm. Trong công tác thẩm định dự án, tỉnh xác định lựa chọn những dự án phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh và có tính khả thi cao.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án, tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết hồ sơ. Theo số liệu của Sở Công Thương, riêng trong năm 2017, Sở đã tiến hành 02 đợt rà soát thủ tục hành chính (TTHC), qua đó đã đề xuất đơn giản hoá 29 TTHC và kiến nghị sửa đổi 03 TTHC. Tính đến nay, tổng số TTHC trong lĩnh vực Công Thương được UBND tỉnh công bố sửa đổi, bổ sung là 147 TTHC, trong đó: TTHC cấp tỉnh là 132 thủ tục với 17 lĩnh vực; TTHC cấp huyện 12 thủ tục; cấp xã 03 thủ tục.

Quá trình triển khai các dự án đầu tư cũng được tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để đảm bảo dự án được triển khai đúng theo tiến độ cam kết. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm quản lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý những vướng mắc.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý dứt điểm các dự án triển khai không theo đúng cam kết. Đối với các nhà đầu tư đã chấm dứt triển khai hoặc chấm dứt hoạt động đã thu hồi Giấy Chứng nhận đầu tư thì kiên quyết yêu cầu nhà đầu tư thanh lý dự án theo quy định của pháp luật hiện hành và thu hồi đất để cấp cho nhà đầu tư khác có nhu cầu sử dụng đất.

Nỗ lực kêu gọi đầu tư giai đoạn II

Với mục tiêu hình thành một Khu Công nghiệp mới có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo ra quỹ đất để xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, tạo môi trường thuận lợi và có bước đột phá trong thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp, phát huy lợi thế và nguồn lực của tỉnh, nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, ngày 14/06/2016 Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn - Giai đoạn II tại Quyết định số 1061/QĐ-TTg.

Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Thanh Bình tỉnh Bắc Kạn giai đoạn II cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2196/QĐ-UBND ngày 25/12/2017.

Theo Quyết định được phê duyệt, quy mô đầu tư Khu Công nghiệp Thanh Bình là 80,3ha. Cơ cấu nguồn vốn gồm các nguồn do Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác. Tổng mức đầu tư là trên 390 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020.

Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II được xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư công. Hiện nay, do khó khăn về nguồn vốn nên trước mắt tỉnh sẽ thực hiện theo chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng khu công nghiệp. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp trên diện tích 37,1ha. Giai đoạn 2021 - 2023 thực hiện xây dựng hạ tầng trên diện tích 43,2ha còn lại của dự án.

Trong năm 2018, tỉnh sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch, trình, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; tổ chức thống kê, đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giao đất cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống đấu nối hạ tầng giữa giai đoạn II với hệ thống chung của Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I...

Để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh cũng như tại KCN Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh, sản xuất, trọng tâm là giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; quy hoạch vùng nguyên liệu; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng KCN, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp triển khai xây dựng và đưa nhà máy đi vào hoạt động. 

Hiện nay, Khu Công nghiệp Thanh Bình có một số dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đang triển khai thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng Trạm chiết nạp LPG vào chai và Nhà máy sản xuất, bảo dưỡng chai LPG của Công ty Cổ phần Gas Khánh Linh; xưởng sản xuất đóng gói linh kiện điện tử của Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển nền móng Hồ Bắc; Dự án Nhà máy sơ chế nông sản của Công ty TNHH MISAKI; Dự án Nhà máy sản xuất chì kim loại Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Luyện kim màu Tây Giang Bắc Kạn… Ngoài ra còn một số nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào Khu Công nghiệp đang được tỉnh xem xét, phê duyệt.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 nhà đầu tư thực hiện dự án vào tỉnh, trong đó có một số dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp Thanh Bình như: Công ty cổ phần đầu tư GOVINA thực hiện dự án đầu tư nhà máy chế biến gỗ với quy mô 102.000 m3 ván dán các loại, 60.000 m3 MDF/năm. Công ty TNHH Tân Phát Bắc Kạn thực hiện dự án Nhà máy sản xuất bao bì giấy tại khu công nghiệp Thanh Bình với quy mô 30.000 tấn sản phẩm/năm… Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 cam kết đầu tư dự án đoạn cao tốc từ huyện Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Đây sẽ là điều kiện để tỉnh Bắc Kạn thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp.

Với lộ trình cụ thể được đề ra cùng với những chính sách ưu tiên trong thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Kạn mong muốn sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư hiệu quả vào Khu Công nghiệp Thanh Bình, góp phần giải quyết khó khăn cho ngành công nghiệp của tỉnh, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Hương Lan