PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/10/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tập trung khôi phục, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp những tháng cuối năm
Từ nay đến cuối năm, ngành chức năng và các địa phương tăng cường vận động người dân và hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng diện tích cây vụ đông nhằm bù đắp lại diện tích, sản lượng cây trồng vụ mùa năm 2024 bị thiệt hại do mưa bão; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống rét trên cây trồng và vật nuôi.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Nuôi trồng thủy sản trên sông Năng

Từ đầu năm đến nay, với sự nỗ lực rất lớn của các cấp ủy, chính quyền và người dân, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản đã đạt và vượt kế hoạch. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa 123,5/22,5 ha đạt 547% kế hoạch; liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm được 66/51 dự án, đạt 129,4% kế hoạch; diện tích trồng rừng 4.890/3.485 ha, đạt 140% kế hoạch... Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu chưa đạt: Sản lượng thịt hơi các loại 14.142/30.429 tấn, đạt 46,5% kế hoạch; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1.659/2.980 tấn, đạt 56,7% kế hoạch; sản lượng gỗ khai thác 260.806 m3/345.000 m3, đạt 75,6% kế hoạch...

Nguyên nhân được được chỉ ra là do tình hình thiên tai từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, đầu năm thời tiết khô hạn, sau đó liên tiếp nhiều đợt mưa to, giông lốc xảy ra, đặc biệt là cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đầu tháng 9 đã làm hơn 2.904 ha lúa, ngô, hoa màu và cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng và thiệt hại; 110 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng và nhiều vật nuôi bị chết, cuốn trôi; tổng giá trị thiệt hại ước tính 1.649 tỷ đồng.

Cùng với đó là xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng, đàn vật nuôi, ảnh hưởng nặng nề nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 697 thôn, 101 xã, phường thuộc các huyện, thành phố với số lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy 19.150 con, hơn 723 tấn; bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện tại 20 thôn, 8 xã của huyện Ba Bể, Ngân Sơn, với 96 con bị mắc bệnh, chết 6 con, trọng lượng tiêu hủy 748 kg... Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan như một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa thực sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa được nâng cao...

Vì vậy, từ nay đến cuối năm, ngành chức năng và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo khôi phục sản xuất; tăng cường vận động người dân và hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng diện tích cây vụ đông nhằm bù đắp lại diện tích, sản lượng cây trồng vụ mùa năm 2024 bị thiệt hại do mưa bão; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, rét trên cây trồng và vật nuôi; trước mắt tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thu hoạch vụ mùa và chỉ đạo, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất vụ đông theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt; quan tâm vận dụng các nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đối với đàn vật nuôi, tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, chủ động điều chỉnh phương án phát triển chăn nuôi, lựa chọn các loài vật nuôi khác thay thế chăn nuôi lợn trong tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh như hiện nay. Tiếp tục chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia cầm do có chu kỳ nuôi ngắn (60 - 90 ngày/1 lứa), đáp ứng số lượng và sản lượng nhanh nhất, cung cấp nhu cầu về thực phẩm của Nhân dân, bù đắp được sản lượng thịt hơi thiếu hụt từ chăn nuôi lợn, tạm thời thay thế được việc chăn nuôi lợn thiếu hụt do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây ra, mặt khác có thể tận dụng được chuồng nuôi lợn để trống để chăn nuôi...

Đối với đàn đại gia súc, tập trung tổ chức sản xuất theo hình thức nuôi vỗ béo (chu kỳ nuôi từ vỗ béo từ 60 - 90 ngày), khuyến khích người chăn nuôi lựa chọn những con trâu, bò không đủ tiêu chuẩn làm giống nuôi vỗ béo đưa vào xuất bán, giết mổ để tăng số lượng và sản lượng.

Tập trung chỉ đạo, tuyên truyền phát triển chăn nuôi an toàn sinh học để chủ động phòng, chống dịch bệnh góp phần phát triển chăn nuôi bền vững; đồng thời thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, nuôi trồng các loài thủy sản trên cơ sở diện tích hiện có để nâng cao năng suất, sản lượng.

Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt chú ý các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nhanh chóng khống chế dịch bệnh, đủ điều kiện công bố hết dịch, tạo điều kiện cho việc tái đàn lợn các tháng cuối năm.

Đối với sản xuất lâm nghiệp, đôn đốc chủ rừng thực hiện chăm sóc rừng trồng theo quy định. Theo dõi cập nhật tình hình chống chặt phá rừng các đơn vị; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác lâm sản của các chủ rừng trên địa bàn, đặc biệt là việc khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Tiếp tục chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở gieo ươm các quy định của pháp luật liên quan đến giống cây trồng lâm nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với chủ cơ sở vi phạm.

UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn; chỉ đạo Hạt kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của các chủ dự án; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác…/.

BH