PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/08/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tập trung phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên
Để hoàn thành mục tiêu phát triển các ngành dịch vụ giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung ưu tiên đầu tư vào dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin và phân phối… Đây là những những lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, có khả năng tạo ra những đột phá mới để thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khu vực dịch vụ hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn và đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng trưởng chung của tỉnh. Bình quân 2 năm trở lại đây, khu vực dịch vụ tăng trưởng 5,07%, 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,14%. Trong đó, dịch vụ du lịch từng bước phát triển gắn với lợi thế, tiềm năng và phát huy các giá trị di sản của địa phương; chất lượng dịch vụ ngày càng đáp ứng nhu cầu du khách.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó tạo đà cho du lịch và các dịch vụ kèm theo phát triển, trọng điểm là đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) và đường cao tốc từ Chợ Mới tới thành phố Bắc Kạn; hiện đang kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.

Tỉnh cũng đang tiếp tục điều chỉnh cơ cấu các nhóm sản phẩm du lịch Bắc Kạn theo hướng phát huy sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, tăng cường sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh, bổ sung sản phẩm du lịch văn hóa - trải nghiệm, tạo mới sản phẩm du lịch vui chơi - giải trí, mạo hiểm, từ đó hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đồng bộ, phong phú, độc đáo, hấp dẫn trong từng khu, điểm du lịch cũng như trên phạm vi toàn tỉnh. Tăng cường hợp tác với một số tỉnh, thành phố lân cận để liên kết, phối hợp phát triển các tour, tuyến du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng phát triển các thương hiệu du lịch của địa phương. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp nhu cầu và xu hướng du lịch mới.


Các homestay tại khu du lịch Ba Bể ngày càng chú trọng hoạt động dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du khách
(Ảnh chụp tại Ba Bể farmstay, thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể)

Để phát triển dịch vụ công nghệ thông tin, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển chính quyền điện tử; tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tránh gây tốn kém nguồn lực phát triển xã hội. Đến nay, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng internet và hệ thống mạng nội bộ; 100% cán bộ, công chức tại cơ quan nhà nước 3 cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính làm việc. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Kạn được thiết kế theo kiến trúc phân lớp bảo mật và sử dụng các công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu sử dụng của các hệ thống dịch vụ và ứng dụng của tỉnh như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; phần mềm Một cửa điện tử, Một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Hệ thống thư điện tử công vụ đã cấp gần 7.000 tài khoản. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đã có thói quen chỉ sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc chuyên môn.

Bắc Kạn cũng đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cả nước như VNPT, FPT, Vietel... với nội dung thỏa thuận tập trung vào phối hợp triển khai các giải pháp xây dựng; phát triển hạ tầng số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số; đảm bảo an toàn thông tin.

Bước đầu, Bắc Kạn đã triển khai hiệu quả một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, điển hình như mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại 12 chợ trên địa bàn. Thay vì phương thức thanh toán truyền thống, người dân và các tiểu thương buôn bán có thể thực hiện thanh toán hóa đơn mua hàng bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng điện tử một cách nhanh chóng và thuận tiện. Ngay cả khi điện thoại của khách hàng không có kết nối internet, việc thanh toán vẫn có thể diễn ra thuận tiện bằng cách nhập thông tin mã trên điện thoại. Nhờ sự tiện lợi này, mô hình Chợ 4.0 đã nhanh chóng được lan tỏa và mở rộng trên khắp địa bàn…

Đối với dịch vụ phân phối, Bắc Kạn đã và đang tăng cường hỗ trợ đào tạo, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về hoạt động mua bán hàng hóa qua môi trường thương mại điện tử cho các tổ chức, doanh nghiệp. Rà soát, tích hợp quy hoạch hạ tầng thương mại vào quy hoạch tỉnh, tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ứng dụng thương mại điện tử trong phân phối, buôn bán hàng hóa, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong việc truy xuất nguồn hàng vào hạ tầng thương mại như siêu thị, chợ. Đồng thời triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh để tăng hiệu quả hoạt động của chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, mua bán của các thương nhân tại chợ. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để tạo nguồn hàng hóa với quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá cả cạnh tranh để cung cấp cho các cơ sở bán lẻ trong nước. Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường; đấu tranh chống các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, chống sản xuất - buôn bán hàng giả, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Qua đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo các điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng, uy tín phát triển...


Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Miến dong Tài Hoan chuẩn bị xuất khẩu

Mới đây nhất, để phát triển khu vực dịch vụ, UBND tỉnh đã đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào phát triển các ngành dịch vụ; phát triển thương mại điện tử, tiếp tục đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử và các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới. Cùng với đó tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm và tham gia vào nhiều thị trường xuất khẩu có tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đổi mới công tác quản lý theo hướng hiệu quả, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, chợ phục vụ hoạt động bán buôn, bán lẻ. Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; tập trung đầu tư giải quyết các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng du lịch…/.

Thu Cúc