PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/05/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thành phố Bắc Kạn chủ động phương án phòng, chống thiên tai
Bước vào mùa mưa bão năm nay, để chủ động phòng, chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, thành phố Bắc Kạn đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở cao tại phường Đức Xuân

Đến nay, thành phố Bắc Kạn đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); 8/8 xã, phường kiện toàn ban chỉ đạo cấp xã, phân công các thành viên phụ trách thôn, tổ dân phố. Thành phố đã tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình phòng, chống lụt bão, kè chống xói lở bờ sông, suối... để có những bổ sung kịp thời; tiến hành rà soát, kiểm kê nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại cơ sở. Công tác tuyên truyền được thành phố chú trọng thực hiện thường xuyên, liên tục, các bản tin dự báo, cảnh báo, văn bản, chỉ thị về phòng chống thiên tai được cập nhật trên cổng thông tin điện tử, đài phát thanh, nhóm zalo…

Để chủ động phòng, chống thiên tai, UBND thành phố cũng đã rà soát, xác định các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng trên địa bàn. Theo thống kê, hiện nay, thành phố có 44 điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét tại các xã Dương Quang, Nông Thượng; các phường Phùng Chí Kiên, Đức Xuân, Huyền Tụng, Xuất Hóa, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai. 287 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, trong đó 8 hộ ở xã Dương Quang và phường Đức Xuân nguy cơ rất cao. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn cũng có 3 công trình, dự án đang triển khai là hồ chứa nước Nặm Cắt, thủy điện Thác Giềng và đập dâng nước Sông Cầu, đây là những công trình chịu ảnh hưởng lớn bởi mưa lũ và cần có những biện pháp quản lý, bảo vệ.

Căn cứ vào những hình thái thiên tai thường xảy ra trên địa bàn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã đặt ra một số tình huống bất lợi có thể xảy ra và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp với điều kiện thực tế nhằm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, cụ thể như: Tình huống lốc, sét, mưa đá; tình huống bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; tình huống sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; tình huống hạn hán, nắng nóng. Trên cơ sở phương án đã được xây dựng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền về công tác chuẩn bị, các biện pháp phòng tránh, mức độ thiệt hại và biện pháp khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng xác định vùng trọng điểm có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, gió lốc để chỉ đạo di dời dân cư đến nơi an toàn; có phương án đảm bảo an toàn không để thiệt hại về người và tài sản. Chỉ đạo các phòng ban, xã, phường tổ chức thực hiện các phương án, quy chế phối hợp, kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai... . Thực hiện cắm biển báo, cảnh báo tại những vùng có nguy xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá. Tổ chức trực 24/24 giờ trong mùa mưa lũ.

Đặc biệt, trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBND các xã, phường thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, rà soát điều chỉnh phương án cho phù hợp đảm bảo an toàn cho các điểm bỏ phiếu và người dân tham gia bỏ phiếu. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố chủ động xây dựng phương án hiệp đồng, huy động lực lượng ứng phó và cứu hộ cứu nạn trong thời gian diễn ra bầu cử, tại các điểm bầu cử khi cần thiết.

Cùng với việc xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Bắc Kạn còn triển khai tổ chức diễn tập các tình huống có thể xảy ra ở vùng trọng điểm, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo ứng cứu, khắc phục kịp thời, không gây thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân./.

Thu Trang