Độ tương phản
Hình ảnh thành phố Bắc Kạn hiện tại từ góc nhìn trên cao
Một hành lang xanh: Giữ hồn thiên nhiên giữa lòng đô thị
Khác biệt lớn nhất của thành phố Bắc Kạn trong quy hoạch mới là yếu tố “xanh” không chỉ là mục tiêu mà còn là cấu trúc trung tâm. Hành lang xanh của thành phố Bắc Kạn được hình thành từ hệ thống đồi núi, rừng tự nhiên, rừng sản xuất và các mặt nước tự nhiên như sông Cầu, suối Nặm Cắt, hồ Nặm Cắt… bao bọc toàn bộ vùng phát triển đô thị. Không gian này không chỉ đóng vai trò là lá phổi xanh điều hòa khí hậu, chống ngập úng, mà còn là vành đai bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, giữ gìn cảnh quan, đa dạng sinh học và các giá trị bản địa.
Theo quy hoạch, tổng diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 66% tổng diện tích tự nhiên thành phố, trong đó rừng phòng hộ và rừng đặc dụng giữ vai trò then chốt trong hành lang xanh. Đây cũng là vùng đệm quan trọng giúp giảm thiểu tác động từ thiên tai, đồng thời tạo không gian sinh thái đặc thù cho du lịch, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học.
Theo quy hoạch, các công trình cụ thể trong hành lang xanh bao gồm: Tổ hợp công viên rừng khu đồi Tỉnh ủy; công viên cây xanh ven sông Cầu kết hợp phố đi bộ; công viên giải trí và quảng trường Chiến Thắng; cải tạo sân Tổng Đích thành công viên đô thị mở… Các khu vực này vừa đóng vai trò cảnh quan, vừa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí - đúng với tinh thần “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” mà quy hoạch đặt ra.
Điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch hành lang xanh là tích hợp công nghệ xanh, hạ tầng xanh và quy hoạch thông minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được thiết kế hạn chế bê tông hóa, tăng khả năng thấm nước, giảm hiệu ứng đảo nhiệt. Ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện môi trường, xử lý thoát nước bền vững bằng hệ thống hồ điều hòa, kênh thoát nước kết hợp cảnh quan. Quy hoạch các khu đô thị sinh thái như khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt, khu sinh thái làng dân tộc Xuất Hóa, vừa khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vừa bảo vệ cảnh quan và gìn giữ văn hóa bản địa.
Hai trục không gian: Kết nối động lực phát triển
Trong cấu trúc quy hoạch tổng thể của thành phố Bắc Kạn đến năm 2045, hai trục không gian giữ vai trò “xương sống”, tạo lập hệ thống liên kết linh hoạt giữa các khu chức năng đô thị, đồng thời khơi thông động lực phát triển kinh tế - xã hội, kiến tạo bản sắc đô thị hiện đại và giàu bản sắc.
Một đoạn sông Cầu chảy qua địa phận thành phố Bắc Kạn
Trục không gian đầu tiên hình thành dọc theo sông Cầu, dòng sông gắn liền với lịch sử và đời sống người dân Bắc Kạn. Trong định hướng quy hoạch mới, sông Cầu không chỉ đóng vai trò là yếu tố cảnh quan thiên nhiên mà còn là trục sinh thái - văn hóa chủ đạo, kết nối chuỗi công viên, quảng trường, phố đi bộ và các không gian công cộng đặc sắc. Theo quy hoạch, hai bên bờ sông sẽ được bố trí công viên ven sông kết hợp phố đi bộ, trải dài qua các phường như Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Tụng và xã Dương Quang. Những tuyến đường ven sông sẽ được chỉnh trang, mở rộng, tạo cảnh quan mở và thân thiện với người đi bộ, xe đạp. Các cây cầu mới sẽ được xây dựng để tăng cường kết nối liên vùng, đồng thời giữ vững tầm nhìn và yếu tố thẩm mỹ đô thị. Không gian ven sông cũng là nơi đặt các công trình văn hóa biểu tượng như Quảng trường - Tượng đài Chiến Thắng, Công viên cây xanh Bắc Sông Cầu, tạo điểm nhấn kiến trúc và sinh hoạt cộng đồng, góp phần định vị hình ảnh đô thị Bắc Kạn năng động nhưng hài hòa với thiên nhiên.
Song song với trục sông Cầu là trục đường Trường Chinh được quy hoạch là trục phát triển đô thị năng động nhất, kết nối trực tiếp trung tâm thành phố với các khu vực phát triển mới và tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn. Trục đường này không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà còn là trục kinh tế - dịch vụ chủ đạo, nơi tập trung các công trình thương mại, tài chính, hành chính và dịch vụ công cấp đô thị. Dọc trục Trường Chinh sẽ là các khu hỗn hợp cao tầng, các tổ hợp thương mại, khách sạn, ngân hàng và trung tâm hành chính mới, tạo nên diện mạo hiện đại và sôi động cho đô thị. Cấu trúc tuyến đường được mở rộng phù hợp với định hướng xây dựng các tuyến giao thông lớn, tích hợp buýt nhanh, xe điện, hạ tầng xanh thông minh. Bên cạnh đó, nút giao kết nối giữa Trường Chinh và tuyến cao tốc tại xã Nông Thượng được quy hoạch thành cửa ngõ phía Nam thành phố, nơi đặt trung tâm thương mại - logistics và bến xe liên tỉnh hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế liên vùng.
Hai trục không gian này, một bên mang tính bảo tồn và nâng tầm giá trị lịch sử - sinh thái, một bên tạo lập động lực phát triển hiện đại chính là hai cánh tay mở rộng không gian sống và phát triển của thành phố Bắc Kạn trong hành trình trở thành một đô thị sinh thái - văn hóa - dịch vụ trung tâm của vùng miền núi phía Bắc.
Ba vành đai phát triển: Mở rộng không gian sống - sản xuất - du lịch
Trong cấu trúc phát triển không gian của thành phố Bắc Kạn, ba vành đai phát triển được ví như ba vòng tròn lan tỏa đồng tâm, mỗi vành đai giữ một vai trò chiến lược riêng trong định hình tương lai của đô thị - từ trung tâm hành chính, đến vùng công nghiệp, rồi mở rộng ra không gian du lịch và sinh thái ven đô.
Vành đai 1 sẽ tập trung: Cụm công nghiệp xanh tại phường Huyền Tụng, phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí nhẹ và chế biến nông lâm sản; phân khu logistic cửa ngõ tại xã Nông Thượng - nơi quy hoạch bến xe, kho vận, trung tâm thương mại - dịch vụ cửa ngõ phía Tây; các tuyến giao thông đối ngoại như quốc lộ 3, quốc lộ 3B và tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn kết nối với vành đai 1, tạo nên hệ thống vận tải đa phương thức hiện đại. Mục tiêu của vành đai này là hình thành vùng sản xuất - trung chuyển - thương mại hiệu quả, tạo nguồn thu ngân sách và việc làm, làm nền tảng kinh tế cho toàn thành phố.
Vành đai 2 mở rộng về phía: Xã Dương Quang - khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt, phát triển mạnh về nghỉ dưỡng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi giải trí, du lịch tâm linh; phường Nguyễn Thị Minh Khai - khu đô thị mới kết hợp công viên, thể thao, y tế và dịch vụ công cộng; các tuyến đường kết nối như đường Trường Chinh, đường nối cao tốc CT.07, giúp luân chuyển nhanh giữa trung tâm thành phố và các phân khu chức năng ngoại vi. Vành đai 2 là trục mở rộng đô thị đa năng, nơi cư trú mới được quy hoạch đồng bộ với hạ tầng xã hội và cảnh quan, đồng thời là vùng đệm hài hòa giữa các phân khu dân cư - du lịch - công nghiệp, giúp thành phố phát triển “nở hoa” mà không bị quá tải hay xung đột không gian.
Vành đai 3 được quy hoạch để phát triển hệ thống giao thông nội thị thông minh, đồng bộ giữa các trục đường chính với khu dân cư, dịch vụ công cộng và thương mại; cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội, giữ nguyên nhưng nâng cấp các công trình y tế - giáo dục, đồng thời chuyển đổi các cơ sở hành chính cũ thành khu thương mại - dịch vụ; xây dựng các không gian công cộng chất lượng cao như công viên Tổng Đích, quảng trường Chiến Thắng, công viên rừng đồi Tỉnh ủy, bảo tàng và thư viện Bắc Kạn. Mục tiêu là tái cấu trúc không gian nội đô theo hướng hiện đại - tiện nghi - sinh thái, nâng cao chất lượng sống cho cư dân thành phố.
Các vành đai này không chỉ nhằm tổ chức không gian hiệu quả mà còn tạo ra sự linh hoạt trong quản lý phát triển, kết nối đồng bộ giữa các khu chức năng, hướng tới một đô thị đa trung tâm, thích ứng với địa hình miền núi đặc thù.
Phân khu rõ ràng, mục tiêu nhất quán
Quy hoạch thành phố Bắc Kạn đến năm 2045 không chỉ đề ra cấu trúc không gian chặt chẽ mà còn xác định 5 phân khu phát triển đặc thù, mỗi khu đều có chức năng riêng, mục tiêu cụ thể và định hướng đồng bộ với quy hoạch tổng thể của tỉnh và khu vực. Cách tiếp cận này nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối giữa đô thị trung tâm và vùng ven, giữa sản xuất và dịch vụ, giữa bảo tồn và phát triển, tạo nên một đô thị hài hòa - hiện đại - giàu bản sắc.
Cụ thể, Khu đô thị phía Bắc tập trung phát triển y tế, thể thao, công nghiệp xanh. Khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt là trung tâm nghỉ dưỡng, hội nghị và du lịch trải nghiệm. Khu trung tâm đô thị bao gồm hành chính - chính trị và các dịch vụ công cốt lõi. Khu logistic cửa ngõ (Nông Thượng) sẽ là trung tâm thương mại dịch vụ và điều phối vùng. Khu sinh thái làng dân tộc (Xuất Hóa) nơi bảo tồn cảnh quan, phát triển du lịch cộng đồng… Các phân khu được kết nối hài hòa qua hệ thống hạ tầng đồng bộ gồm giao thông, điện, nước, thoát nước, thông tin liên lạc và công viên - không gian công cộng.
5 phân khu trong Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Bắc Kạn đến năm 2045
Theo định hướng chung, thành phố Bắc Kạn không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh mà còn là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, trung tâm kết nối dịch vụ vùng miền núi phía Bắc. Trong bối cảnh hợp nhất tỉnh Bắc Kạn với Thái Nguyên, thành phố Bắc Kạn sẽ giữ vai trò trung tâm điều phối phát triển các địa phương phía Bắc tỉnh mới. Việc xây dựng đô thị xanh - thông minh - sinh thái đang hiện thực hóa bằng các dự án cụ thể như công viên cây xanh, khu bảo tồn văn hóa, tuyến đường kết nối cao tốc, các bến xe liên vùng, khu công nghiệp xanh… Thành phố được kỳ vọng trở thành hình mẫu phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và hiện đại./.
Dừng hoạt động tìm kiếm nạn nhân nghi mất tích tại hố sụt lún thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư (12/06/2025)
HĐND huyện Bạch Thông đánh giá quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2025 (12/06/2025)
Thành phố Bắc Kạn: Tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận và học tập chương trình giáo dục chính quy một cách hiệu quả (11/06/2025)
Giữ gìn nét văn hóa vùng cao Pác Nặm (11/06/2025)
Vượt khó, nâng cao kết quả phổ cập, xóa mù chữ tại huyện Ngân Sơn (05/06/2025)