PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/08/2019
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thành phố Bắc Kạn: Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững
Từ năm 2014 đến nay, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã góp phần giúp 480 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 2.400 lao động; xây dựng trên 1.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn...

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Từ năm 2014 đến nay, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã góp phần giúp 480 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 2.400 lao động; xây dựng trên 1.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn...

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của thành phố Bắc Kạn luôn quan tâm chăm lo công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy, chính quyền thành phố thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chính sách hướng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và đã mang lại kết quả quan trọng; trong đó thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố.

Hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong đó có nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo ưu tiên huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững… UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan, các hội đoàn thể, các xã, phường cụ thể hóa nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt kế hoạch tín dụng chính sách xã hội, chuyển tải kịp thời, hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Thành phố đã cân đối ngân sách ủy thác, bổ sung vốn cho Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để cho người nghèo vay. Tính đến hết tháng 6/2019, nguồn vốn ngân sách thành phố chuyển sang Ngân hàng CSXH 1,2 tỷ đồng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay.

Thành phố cũng đã chỉ đạo UBND các xã, phường cho Ngân hàng CSXH mở 8/8 điểm giao dịch xã, phường, góp phần tăng năng lực cho Ngân hàng phát huy tốt vai trò, nâng cao hiệu quả trong triển khai tín dụng, chính sách ở địa phương, tạo điều kiện đưa tín dụng CSXH đến với người dân thuận lợi nhất.

5 năm qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa xuống tận cơ sở, tạo sự gắn bó mật thiết hơn giữa chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tín dụng với nhân dân.


Nhân viên Ngân hàng CSXH giao dịch tại trụ sở các xã, phường, tạo điều kiện đưa tín dụng CSXH đến với người dân thuận lợi nhất

Với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách để cải thiện đời sống, phát triển sản xuất kinh doanh, đến nay tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố đạt trên 122,5 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi tập trung một số chương trình cho vay như: Vay giải quyết việc làm; cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo; cho vay đối với hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay thực hiện các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách là 117,517 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, đã có 5.640 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp cho 480 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 2.400 lao động; hơn 240 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để duy trì việc học tập; xây dựng trên 1.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; giảm tỷ lệ hộ nghèo đơn chiều từ 2,75% năm 2010 xuống còn 2,15% năm 2015 và theo chuẩn nghèo đa chiều từ 3,2% năm 2015 xuống còn 2,24% năm 2018.

Để các chương trình tín dụng CSXH tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, thành phố Bắc Kạn xác định thực hiện tốt các nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư; chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay, triển khai thực hiện các chương trình, dự án tín dụng CSXH trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với Ngân hàng CSXH làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng CSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; thường xuyên giám sát các hộ vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Vì người nghèo” để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng CSXH. Các địa phương, đơn vị hướng dẫn thực hiện lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động. Nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm./.

Hương Dịu