PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/05/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thế giới tuần qua: Lời “cảnh tỉnh” từ Ấn Độ
Trong tuần qua (26/4 – 2/5), bên cạnh những vấn đề thời sự đáng chú ý, thế giới cùng hướng sự sẻ chia về Ấn Độ - đất nước với 1,4 tỷ dân đang oằn mình chống lại sức hủy diệt của “cơn đại hồng thủy COVID-19”.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

WHO: Thảm kịch Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu

 Hỏa thiêu người chết vì COVID-19 ở Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Thảm họa COVID-19 ở Ấn Độ dường như đang trở thành kịch bản tồi tệ nhất mà nhiều người lo sợ trong đại dịch vốn đang làm chao đảo thế giới. Liên tiếp trong 10 ngày qua, Ấn Độ đã trở thành điểm nóng dịch bệnh lớn nhất thế giới, với hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Làn sóng dịch bệnh đáng sợ đang nhấn chìm đất nước đông dân thứ 2 thế giới, khi các bệnh viện quá tải nghiêm trọng, trang thiết bị y tế thiếu hụt còn y bác sỹ trở nên kiệt quệ, không đủ sức chống đỡ với số ca nhiễm hiện sắp chạm ngưỡng 20 triệu.

Tuy nhiên, con số thực tế còn được dự báo là cao hơn nhiều và sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Trong bối cảnh trên, khoảng 40 nước trên thế giới đã cam kết, gấp rút hành động để hỗ trợ Ấn Độ vượt qua thảm kịch. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tổ chức này đang làm mọi thứ có thể, cung cấp các thiết bị và vật tư quan trọng để hỗ trợ Ấn Độ đối phó với “sóng thần” COVID-19.

Ngày 29/4, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cũng đã lên tiếng cảnh báo các nước về bài học đau lòng tại Ấn Độ với thông điệp: “Khi các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, tụ tập đông người diễn ra, xuất hiện nhiều biến thể dễ lây lan hơn và tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp, tất cả có thể tạo ra cơn bão lớn ở bất kỳ quốc gia nào. Điều vô cùng quan trọng là phải nhận thức được rằng tình hình ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu”.

Ông Kluge lưu ý thêm rằng các quốc gia không nên phạm sai lầm khi nới lỏng biện pháp hạn chế quá sớm để tránh những làn sóng bùng phát COVID-19 mới tương tự. Các biện pháp xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng của cá nhân và tập thể vẫn là những yếu tố quyết định diễn biến đại dịch.

Dấu ấn Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

 Toàn cảnh phiên họp tổng kết Tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021 của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2020-2021. (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Ngày 29/4 tại New York, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã chủ trì phiên họp tổng kết các hoạt động trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) tháng 4/2021.

Trong tháng Chủ tịch, Việt Nam đã đề xuất và chủ trì tổ chức 4 sự kiện ưu tiên về vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột, khắc phục hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, và bạo lực tình dục trong xung đột. Các chủ đề này đều đặt người dân ở vị trí trung tâm và hướng đến xây dựng, duy trì hoà bình bền vững. Đi cùng với các sự kiện này, Việt Nam đã chủ trì xây dựng và thúc đẩy thông qua 3 văn kiện của HĐBA, trong đó có 2 tuyên bố chủ tịch và 1 nghị quyết. Ngoài các đề xuất nêu trên, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, HĐBA đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có những vấn đề nổi lên như Syria, Palestine, Yemen, Mali, khu vực Hồ Lớn, Tây Sahara, Sudan, Somalia, Libya, Abyei (Sudan/Nam Sudan), Ethiopia, Kosovo, Colombia và Myanmar…

Phát biểu tại phiên họp tổng kết, đại diện các nước thành viên LHQ đánh giá cao các hoạt động ưu tiên của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam thúc đẩy sự quan tâm của HĐBA tới khía cạnh nhân đạo và bảo vệ thường dân.

Các nước chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tháng Chủ tịch HĐBA thành công, điều hành mọi hoạt động của HĐBA diễn ra suôn sẻ, thúc đẩy đồng thuận trong HĐBA cũng như sự tham gia và đóng góp của các nước thành viên LHQ.

Tổng thống Joe Biden và 100 ngày đầu tiên đổi thay nước Mỹ

 Tổng thống Joe Biden nhận được đánh giá tích cực về 100 ngày đầu nhiệm kỳ (Ảnh: Nhà Trắng)

Ngày 29/4 đánh dấu tròn 100 ngày đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, với những mục tiêu được đánh giá là "cơ bản" nhưng cũng đầy tham vọng, đó là: kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và phục hồi vị thế của nền kinh tế số 1 thế giới. Ngay từ khi lên nắm quyền, các mục tiêu này đã được ông J.Biden hiện thực hóa bằng các quyết sách cụ thể, trong đó phải kể đến gói kích cầu khổng lồ 1.900 tỷ USD, cam kết phân bổ 100 triệu liều vaccine cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu cầm quyền. 

Nỗ lực hàn gắn nước Mỹ được Tổng thống J.Biden thể hiện từ khi lên nắm quyền với việc dành sự quan tâm đáng kể cho các chính sách xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử. Trong đó, có việc Tổng thống J.Biden đã ký bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc với người Mỹ gốc châu Á. Dự luật chống lại các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc châu Á đã được thông qua tại Thượng viện hôm 22/4 và dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại Hạ viện vào tháng tới.

Với nhiều biện pháp đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, ngay trong ngày đầu nắm quyền, Tổng thống J.Biden đã đưa nước Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; quyết định Mỹ tiếp tục là thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nối lại định mức đóng góp hằng năm của Washington, đồng thời cam kết đóng góp hơn 4 tỷ USD cho Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin COVID-19 (COVAX). Chính quyền của ông cũng được kỳ vọng tìm đường đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông...

Được giới truyền thông nhận xét là “nói ít, làm nhiều”, Tổng thống J.Biden trong hơn 3 tháng đầu nắm quyền cùng những dấu ấn khác biệt đã nhận lại phản hồi tích cực từ người dân Mỹ. Chương trình nghị sự bận rộn cả về đối nội và đối ngoại cùng tỷ lệ ủng hộ ổn định, tích cực từ người dân là sự khởi đầu đầy hứa hẹn của vị Tổng thống Mỹ thứ 46 trên hành trình đoàn kết xứ Cờ hoa để thực hiện đúng khẩu hiệu tranh cử “Xây dựng lại tốt đẹp hơn”.

Thiên tai, tai nạn gây nhiều thương vong tại một số nước trên thế giới

 Thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ giẫm đạp ở Israel ngày 30/4. (Ảnh: Reuters)

* Con số thương vong trong vụ giẫm đạp tại lễ hội tôn giáo ở miền Bắc Israel hôm 30/4 tiếp tục tăng lên khi nhà chức trách nước này thông báo hiện đã có 45 người chết và khoảng 150 người bị thương trong thảm họa đau lòng này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã mô tả đây là “thảm họa kinh hoàng”. Khoảng 5.000 cảnh sát đã được điều động đến hiện trường và nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.

Chính phủ Israel để quốc tang trong ngày 2/5 để tưởng niệm các nạn nhân. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước Trung Đông đã gửi điện chia buồn và tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ Israel vượt qua tình huống khó khăn này.

* Giới chức địa phương thông báo ngày 30/4, một vụ đánh bom xe xảy ra tại tỉnh Logar, phía Đông Afghanistan đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và 70 người khác bị thương. Theo giới chức địa phương, chiếc xe phát nổ ở thủ phủ Pul-e Alam của Logar, gần quê nhà của cựu chủ tịch hội đồng tỉnh này và gần một bệnh viện. Hiện vẫn chưa rõ ai đứng sau vụ nổ.

* Đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau khi giông bão quét qua một khu vực rộng lớn ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Trong đó, thành phố Nam Thông, gần thành phố Thượng Hải, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão quét qua đây vào tối 30/4 (theo giờ địa phương) với sức gió tối đa lên tới 160 km/h. Theo thông báo từ chính quyền địa phương, khoảng 3.050 người dân đã được sơ tán trong cơn bão./.