PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/03/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thế giới tuần qua: Lời giải nào cho bài toán phân phối vaccine?
Tổng thống Mỹ tổ chức họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức; Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa; Siêu tàu chở hàng bị mắc kẹt trên Kênh đào Suez; Bài toán phân phối vaccine trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Các thành phố trên thế giới hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất,… là một số sự kiện tiêu biểu của thế giới tuần qua (22-28/3).

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tổng thống Joe Biden tổ chức cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ tổ chức họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức

Ngày 26/3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức, trong đó ông đã đề cập đến một loạt vấn đề trọng tâm mà nước Mỹ đang phải đối mặt trong tình hình hiện nay như: nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng người di cư, vấn đề kiểm soát súng đạn, quan hệ với Trung Quốc, việc rút quân khỏi Afghanistan hay tiến trình đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên.

Đây là cuộc họp báo chính thức đầu tiên của Tổng thống Biden sau hơn 2 tháng kể từ khi lên nắm quyền, khoảng thời gian dài nhất mà một tân Tổng thống Mỹ lần đầu họp báo chính thức. Cuộc họp báo diễn ra sau khi một số nghị sỹ đảng Cộng hòa lên tiếng chỉ trích rằng Tổng thống Mỹ đang “trốn tránh” trả lời báo chí.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Joe Biden cũng tiết lộ kế hoạch tái tranh cử vào năm 2024 và bày tỏ hi vọng phó Tổng thống Kamala Harris cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng ông trong chiến dịch tranh cử này.

Có thể nói, những tín hiệu kinh tế tích cực và tiến triển trong tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang tạo đà thuận lợi cho chính quyền Tổng thống Biden, nhưng những thách thức lớn, trong đó có tình trạng bạo lực súng đạn và kỳ thị người Mỹ gốc Á, hay các vấn đề đối ngoại hóc búa như quan hệ với Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên, sẽ tiếp tục tạo sức ép đối với chính quyền mới của Mỹ.

Theo một cuộc khảo sát do Hãng Reuters thực hiện ngày 17/3 cho thấy, có đến 59% người dân Mỹ hài lòng với những kết quả mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden đạt được cho đến thời điểm hiện tại.

Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa

 Chỉ trong vòng 1 tuần, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ bắn thử nghiệm tên lửa. Trong đó, vụ phóng thiết bị do Triều Tiên thực hiện sáng 25/3, được đánh giá không chỉ đơn thuần nhằm “thăm dò” như vụ phóng tên lửa hành trình vào cuối tuần trước, mà cao hơn, đây có thể là một “động thái gây sức ép” trong bối cảnh Washington đang chuẩn bị công bố chính sách mới đối với Bình Nhưỡng.

Nếu các thiết bị này được xác minh là tên lửa đạn đạo thì vụ phóng này của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sẽ khiến Triều Tiên phải đối mặt với một tình huống bất lợi mới trước phản ứng từ cộng đồng quốc tế.

Ngày 26/3, Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ đã yêu cầu các chuyên gia của ủy ban điều tra vụ thử tên lửa một ngày trước đó của Bình Nhưỡng.


Hãng thông tấn Yonhap đưa tin về vụ phóng thiết bị của Triều Tiên. 

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng “nối lại giao thiệp ngoại giao với các bên liên quan và nỗ lực vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo (theo như các chuyên gia Mỹ khẳng định) là hành động vi phạm các nghị quyết của HĐBA và cảnh báo Washington sẽ có hành động đáp trả tương xứng nếu Triều Tiên leo thang các vụ thử tên lửa.

Ngay lập tức, ngày 27/3, Triều Tiên đã có phản ứng với tuyên bố của Tổng thống Biden, khẳng định các hành động này là một cuộc tập dượt phòng vệ của nước này. Cụ thể, hãng thông tấn KCNA dẫn thông báo của quan chức cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên, ông Ri Pyong-chol, nêu rõ phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ xâm phạm quyền tự vệ của Bình Nhưỡng. Quan chức này cũng cho rằng Triều Tiên không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường sức mạnh để bảo vệ đất nước, trong khi Seoul và Washington tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung.

Siêu tàu chở hàng bị mắc kẹt trên Kênh đào Suez

Ngày 23/3, siêu tàu chở hàng Ever Given bị mắc kẹt trong Kênh đào Suez của Ai Cập. Hiện vẫn chưa rõ vì sao con tàu có chiều dài tương đương với tòa Empire State ở New York lại xoay ngang ở đoạn kênh đào hẹp. Sự cố đã khiến các hoạt động giao thương hàng hóa ở ở một trong những tuyến hải lộ trung chuyển dầu mỏ và ngũ cốc “bận rộn” nhất trên thế giới lâm vào tình cảnh bị tê liệt.

Giới chuyên gia dự báo, sẽ phải mất đến vài tuần để có thể di dời con tàu có kích cỡ khổng lồ như một chú cá voi trắng nằm án ngữ trên một tuyến hải lộ quan trọng đối với các hoạt động giao thương hàng hóa toàn cầu. Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 25/3, các nhà chức trách đã đã dừng tất cả các tàu tiến vào Kênh đào Suez để khắc phục sự cố. Các chuyên gia cảnh báo, các kế hoạch trục vớt chưa được triển khai sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chủ tịch Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie tuyên bố hoạt động hàng hải sẽ tiếp tục bị đình chỉ cho đến khi việc cứu hộ hoàn thành.

Theo đánh giá của CNN, việc tê liệt Kênh đào Suez lần này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn so với 2 lần ngừng hoạt động trước đó (giai đoạn 1956-1967 và 1967-1975) bởi thương mại giữa châu Âu và châu Á đã tăng đáng kể trong nhiều thập kỷ qua.

Sự cố của tàu Ever Given cũng được dự báo sẽ khiến tình trạng gián đoạn thương mại trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, sau tác động của đại dịch COVID-19 vốn đã khiến tỷ lệ hủy tàu cao, thiếu container và tốc độ xử lý lưu thông hàng hóa chậm hơn tại các cảng.

Bài toán phân phối vaccine phòng COVID-19

Đến nay, trên thế giới có tổng cộng hơn 510 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm. Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiếp tục kêu gọi các quốc gia giàu có tài trợ vaccine để giúp đỡ các nước nghèo khó triển khai tiêm chủng trong bối cảnh khoảng cách về tiếp cận vaccine giữa các quốc gia vẫn còn quá lớn.

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, tới nay đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 2,7 triệu người tử vong. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đều đang nỗ lực tìm cách đảm bảo nguồn cung vaccine để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại nhiều quốc gia, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành.

Trong ngày 26/3, Liên hợp quốc thông báo khoảng 180 quốc gia trong tổng số 193 thành viên LHQ đã cam kết đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng. Tuyên bố chính trị, có chữ ký của đại diện 180 quốc gia tính đến ngày 26/3, có đoạn nêu rõ dù đã có những thỏa thuận, những sáng kiến quốc tế và cả những tuyên bố chung, việc phân phối vaccine vẫn diễn ra không đồng đều, dù giữa các quốc gia hay trong mỗi quốc gia. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều nước chưa có vaccine, thế giới cần đoàn kết và phối hợp đa phương để tăng cường sản xuất và phân phối vaccine, trên các cấp độ khu vực và toàn cầu.

 Tuyên bố cũng khuyến khích các quốc gia có điều kiện chia sẻ vaccine cho các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp cũng như các quốc gia cần giúp đỡ. Tuyên bố cũng khẳng định sáng kiến COVAX do LHQ dẫn dắt là một cơ chế hợp lý nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine.

Việc phân phối vaccine cũng là chủ đề nóng nhất được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 25 và 26/3. Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm. Trong năm 2020, liên minh đặt hàng 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều cho tổng dân số của EU là 450 triệu người. Tuy nhiên, hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, các nước EU đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, chủ yếu do tiến độ bàn giao chậm trễ của hãng dược phẩm AstraZeneca. Điều này đã khiến cho các quốc gia hiện đang dựa vào việc tiêm chủng để hy vọng thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế, rơi vào một tình thế khó khăn. Vì thiếu nguồn cung cấp vaccine nên EU đã buộc phải trì hoãn chương trình tiêm chủng. Theo tính toán của công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, việc trì hoãn này có thể khiến nền kinh tế toàn khối thiệt hại 123 tỷ euro trong năm 2021.Các quốc gia EU dường như đang cảm thấy khó khăn trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 khi mà nguồn cung vaccine không đủ, rồi sự phân chia cũng không đồng đều giữa các thành viên.

Các thành phố trên thế giới hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất

Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 đã được tiến hành đồng loạt trên quy mô toàn cầu vào lúc 20h30 ngày 27/3 và được phát động theo hình thức trực tuyến. Theo đó, các thành phố trên thế giới đã hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất năm nay, với trọng tâm hướng về mối liên kết giữa sự tàn phá với thế giới thiên nhiên và đại dịch COVID-19.

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), với những bằng chứng chỉ ra sự liên quan chặt chẽ giữa vấn nạn tàn phá thiên nhiên và sự gia tăng các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 sẽ đoàn kết mọi người trên mạng trực tuyến cùng lên tiếng để bảo vệ thiên nhiên. WWF cũng nhắc lại nhiều thảm họa xảy ra trong năm 2020, bao gồm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, những vụ cháy rừng tàn khốc và sự bùng phát dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh rằng việc ngăn ngừa những tác động đối với môi trường tự nhiên là đặc biệt quan trọng để bảo vệ tương lai của nhân loại.

Lần đầu tiên được tiến hành tại thành phố Sydney của Australia vào năm 2007, chiến dịch Giờ Trái Đất hiện đã trở thành một trong những chiến dịch vì môi trường lớn nhất thế giới, được hưởng ứng tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Hoạt động gây tiếng vang nhất của chiến dịch này là việc các cá nhân và tổ chức trên thế giới đồng loạt tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ - từ 20h30 đến 21h30 - để thu hút sự lưu tâm của người dân toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay, đồng thời kêu gọi sự tập trung tìm ra những giải pháp để bảo vệ hành tinh và xây dựng một tương lai tươi sáng, bền vững./.

Theo dangcongsan.vn