PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/04/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thế giới tuần qua: Việt Nam thúc đẩy sáng kiến tại Liên hợp quốc
Tuần qua (từ 12 – 18/4), thế giới chứng kiến nhiều quyết định quan trọng của các quốc gia như việc Việt Nam thúc đẩy sáng kiến tại Liên hợp quốc; Mỹ - Nhật củng cố quan hệ đồng minh; Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan hay Nhật Bản cho biết sẽ xả nước thải từ Fukushima ra biển… Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với con số tử vong lên tới hơn 3 triệu người.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Việt Nam thúc đẩy sáng kiến tại Liên hợp quốc

Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham dự phiên thảo luận
(Ảnh: TTXVN)

Ngày 14/4, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã chủ trì thảo luận mở trực tuyến của Hội đồng Bảo an về chủ đề Phụ nữ, hòa bình và an ninh - bạo lực tình dục trong xung đột. Đây là một trong các sự kiện ưu tiên được thực hiện theo sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021.

Đáng chú ý, theo lời mời của Việt Nam, bà Caroline Atim đã trở thành báo cáo viên khiếm thính đầu tiên tại Hội đồng Bảo an.

Tại cuộc họp, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đánh giá đây là một chủ đề mang tính nhân văn và rất cấp thiết. Các nước khẳng định cam kết ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột, nhấn mạnh cần nỗ lực giải quyết vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm tình hình trở nên trầm trọng.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cảm ơn Việt Nam đã thúc đẩy thảo luận về một chủ đề mang tính nhân văn và rất cấp thiết; khẳng định cam kết ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột; nhấn mạnh cần nỗ lực giải quyết vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nhiều ý kiến đề cao sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy thực hiện các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bảo đảm các nạn nhân tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tâm lý, công lý song song với tăng cường nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới, nâng cao vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và trong các tiến trình hòa bình.

Số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới vượt mốc 3 triệu

Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng cao. (Ảnh: BFMTV)

 

Đến chiều 18/4, thế giới có tổng số 141.325.301 ca nhiễm và 3.024.350 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến chiều 18/4, đã có 119.950.084 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 nhiều nhất trên thế giới với 32.361.280 ca nhiễm và 580.756 ca tử vong.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lo ngại khi tỷ lệ lây nhiễm trên toàn cầu đang tiếp tục tăng mạnh và tiệm cận mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch.

Trước đó, ngày 12/4, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dù người dân thế giới đã được tiêm hơn 780 triệu liều vaccine, song số ca mắc mới tăng 7 tuần liên tiếp và số ca tử vong tăng trong 4 tuần tính trên toàn cầu. Người đứng đầu WHO lưu ý: “Vaccine là công cụ quan trọng và mạnh mẽ, nhưng không phải là công cụ duy nhất,” đồng thời kêu gọi mọi người tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tăng cường giám sát, xét nghiệm, theo dõi tiếp xúc để ngăn dịch bệnh lây lan.

Mỹ – Nhật Bản củng cố quan hệ đồng minh

 

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Washington dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden và đây cũng là chuyến công du Mỹ đầu tiên của ông Suga Yoshihide kể từ khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 9/2020.

Cuộc hội đàm ngày 16/4 được xem là đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Mỹ - Nhật sau thời gian lạnh nhạt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định củng cố quan hệ đồng minh, hợp tác trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu.

Tại cuộc hội đàm, hai bên tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, trong đó đáng chú ý là bàn về cách đối phó với các thách thức mà Trung Quốc đặt ra với an ninh hàng hải và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu tại buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm, Tổng thống Biden cho biết Mỹ và Nhật Bản sẽ cùng đầu tư vào các lĩnh vực như: mạng 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, gene và chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Lãnh đạo hai nước có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác song phương để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn chất bán dẫn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các sản phẩm cần thiết đối với hàng hóa công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy mạng 5G đáng tin cậy.

Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập tới các vấn đề an ninh khu vực như hoạt động của Trung Quốc gây leo thang căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tìm kiếm một giải pháp ngay lập tức đối với vấn đề Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản trước đây.

Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tổng thống Joe Biden cho biết hai bên nhấn mạnh tăng cường hợp tác, góp phần đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai.

Trong khi đó, Thủ tướng Suga Yoshihide khẳng định mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ nằm trong khuôn khổ các giá trị phổ quát như pháp trị và mối quan hệ song phương đó ngày càng trở nên quan trọng.

Mỹ sẽ rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan vào tháng 9 tới

Quân đội Mỹ ở Afghanistan năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 14/4, thông báo sẽ rút tất cả 2.500 binh lính Mỹ còn lại ở Afghanistan về nước vào ngày 11/9 tới, đúng dịp 20 năm sau vụ tấn công khủng bố làm châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài của Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á này.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp ngày 14/4 với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) cũng nói các đồng minh đã cùng nhau tiến vào Afghanistan và sẽ cùng nhau rời đi.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết không có đồng minh NATO nào phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi cùng nhau tiến vào và cùng nhau rời đi".

Quyết định của Tổng thống Joe Biden cho thấy ông đánh giá sự hiện diện của quân đội Mỹ không còn mang tính quyết định trong việc đạt được hòa bình lâu dài ở Afghanistan.

Quyết định này cũng đồng nghĩa Mỹ sẽ không đáp ứng thời hạn chót rút toàn bộ binh lính nước này khỏi Afghanistan vào ngày 1/5 tới theo thỏa thuận hòa bình mà chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump đã ký với lực lượng Taliban hồi tháng 2 năm ngoái. Lực lượng Taliban cảnh báo sẽ khôi phục các hành động thù địch chống lại các lực lượng nước ngoài tại Afghanistan nếu Washington không rút quân theo đúng thỏa thuận.

Nhật Bản sẽ xả 1 triệu tấn nước thải từ Fukushima ra biển

 

Chính phủ Nhật Bản ngày 13/4 cho biết sẽ đổ ra biển hơn 1 triệu tấn nước đã xử lý từ nhà máy hạt nhân ở Fukushima. Hoạt động này sẽ bắt đầu trong khoảng 2 năm, khoảng thời gian cho phép đơn vị điều hành nhà máy Tokyo Electric Power lọc nước để loại bỏ các đồng vị có hại, xây dựng cơ sở hạ tầng và nhận được sự cho phép của các cơ quan quản lý.

Chính phủ Nhật Bản coi xả nước là cần thiết để hoàn thành việc tháo dỡ nhà máy Fukushima và nhấn mạnh rằng nước lọc thường xuyên được thải ra bởi các nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới.

Gần 1,3 triệu tấn nước thải, đủ để lấp đầy 500 bể bơi cỡ Olympic, được đựng trong các bể chứa khổng lồ tại trung tâm Fukushima Daiichi với chi phí hàng năm lên tới hơn 910 triệu USD.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá việc xả thải này cũng tương tự tại các cơ sở hạt nhân khác trên thế giới. IAEA ủng hộ quyết định này vì các nguyên tố phóng xạ, ngoại trừ triti, sẽ bị loại bỏ khỏi nước hoặc giảm xuống mức an toàn trước khi thải ra ngoài. IAEA cũng đã chỉ ra rằng các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới sử dụng quy trình tương tự để xử lý nước thải.

Phản ứng trước thông báo của Tokyo, Mỹ lưu ý rằng Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với IAEA trong việc quản lý địa điểm Fukushima kể từ khi hợp nhất 3 lò phản ứng cách đây 10 năm.

Tuy nhiên, việc xả nước của Nhật Bản vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng đánh bắt cá ở nước này cũng như lo ngại từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Nhật Bản "hành động một cách có trách nhiệm" đối với việc xả nước. Trong khi đó, Hàn Quốc bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" rằng quyết định này có thể có "tác động trực tiếp và gián tiếp" đến an ninh của người dân Hàn Quốc và môi trường của nước này.

Trước đây, các nghiệp đoàn đánh cá ở Fukushima cũng đã kêu gọi chính phủ Nhật Bản không đổ nước bị ô nhiễm ra biển vì cho rằng điều đó sẽ gây ra "tác động thảm khốc" đối với ngành này./.

Theo nhandan.com.vn