PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/02/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững
Những năm qua, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh này của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 417.500 ha (chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên); diện tích đất có rừng hơn 372.700 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 273.300 ha và rừng trồng là hơn 99.300 ha.

Rừng trồng tại huyện Chợ Mới đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2020, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp trong quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc quy hoạch 03 loại rừng, tăng diện tích quy hoạch rừng đặc dụng với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế được thúc đẩy và triển khai mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến các địa phương, tạo nguồn thu để đầu tư, phát triển rừng.

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Chỉ tính riêng trong năm 2020, lực lượng chức năng đã phối hợp tuyên truyền các quy định về Lâm nghiệp thông qua các cuộc họp ở xã, thôn, bản được 755 cuộc với 64.345 lượt người tham gia.

Công tác trồng rừng những năm qua luôn đạt kết quả tốt. Mỗi năm trồng được trên 7.000 ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Chất lượng rừng trồng đảm bảo yêu cầu, qua đó thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển và nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh. Diện tích rừng sản xuất những năm gần đây tăng nhanh một phần do tỉnh đã thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng, các dự án trồng rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trồng và phát triển vốn rừng. Diện tích giao khoán cơ bản được người dân quản lý bảo vệ tốt. Các tổ nhận khoán thường xuyên tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng. Kết quả nghiệm thu luôn đạt trên 99% kế hoạch giao.

Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng được triển khai thực hiện tốt, tập trung tại 03 khu rừng đặc dụng là Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Chính sách hỗ trợ cho các công trình công cộng của thôn và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ rừng.

Nhằm tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực, tỉnh đã huy động và lồng ghép kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như chương trình, dự án trên cùng địa bàn để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Trong đó, bao gồm ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn; ngân sách địa phương, nguồn vốn sự nghiệp được giao thực hiện Chương trình đối với các hạng mục giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng tự nhiên...

Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, những năm qua, tỉnh đã triển khai các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có một số dự án được triển khai đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất như: Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Govina; Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam tại Khu Công nghiệp Thanh Bình. Ngoài ra, còn có Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn chế biến gỗ tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn và hàng trăm cơ sở chế biến gỗ nhỏ lẻ đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng bền vững.

Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tình hình phá rừng, tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác diễn ra ở nhiều địa phương. Song nhìn chung, Chương trình đã phát huy được những ưu thế vốn có về rừng và đất lâm nghiệp của địa phương trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Hương Lan