PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp ở Hợp tác xã Hợp Phát, huyện Ngân Sơn
Mặc dù còn nhiều khó khăn do mới thành lập, song Hợp tác xã (HTX) Hợp Phát, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn đã bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra những triển vọng, hứa hẹn về một mô hình kinh tế tổng hợp tại địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thành viên HTX Hợp Phát thu hoạch hạt dẻ

Giám đốc HTX Hợp Phát Bàn Thị Ngân cho biết, năm 2006, chị sang tỉnh Lạng Sơn học hỏi kinh nghiệm về trồng cây dẻ ván, sau đó đưa về trồng thử nghiệm tại địa phương. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng nên cây phát triển tốt, sản phẩm hạt dẻ được khách hàng ưa chuộng.

Với suy nghĩ mở rộng diện tích cây dẻ, đồng thời kết hợp với phát triển chăn nuôi, năm 2019, chị Ngân đã bàn bạc, kêu gọi các hộ dân tại xã Đức Vân thành lập HTX Hợp Phát. Đến nay, HTX có 20 thành viên, ngành nghề chủ yếu tập trung trồng cây ăn quả, trong đó phần lớn là cây dẻ, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm.

Do nhận thấy tiềm năng từ cây dẻ, nhiều thành viên HTX đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi nhiều diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây dẻ. Đến nay, HTX đã mở rộng diện tích được 16 ha cây dẻ với khoảng 8.000 cây, tập trung ở thôn Phiêng Dượng và Nặm Làng thuộc xã Đức Vân. Hiện tại, có khoảng 40 cây đã cho thu hoạch, giá bán buôn tại vườn là 100.000 đồng/kg. Theo đánh giá của khách hàng thì sản phẩm hạt dẻ nơi đây có mẫu mã đẹp, hạt to, có vị thơm bùi đặc trưng... Năm 2020, sản phẩm hạt dẻ của HTX Hợp Phát đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cùng với trồng trọt, HTX cũng đẩy mạnh chăn nuôi, trung bình mỗi năm duy trì khoảng từ 4.000 - 5.000 con gà và 60 con trâu.

Bên cạnh triển vọng kinh tế bước đầu thì HTX Hợp Phát cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Do mới thành lập, HTX chưa được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng, việc sản xuất chưa triển khai theo hướng tập trung mà phân tán tại các hộ gia đình thành viên HTX. Việc trồng cây dẻ theo quy trình hữu cơ đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Hợp Phát, đối với địa phương thì đây là phương pháp canh tác mới, cây trồng dễ bị sâu bệnh mà HTX chưa có giải pháp để phòng trừ sâu bệnh cho cây. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, HTX gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi dẫn đến sản lượng chăn nuôi giảm…

Mặc dù còn nhiều khó khăn song mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của HTX Hợp Phát đã bước đầu tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Để mở rộng phát triển sản xuất, thời gian tới, HTX tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tuyền truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, đồng thời mở rộng diện tích cây dẻ, từ đó xây dựng vùng cây đặc sản có tính hàng hóa.../.

Ngọc Tú