PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/11/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn: Tự hào truyền thống, tiếp nối tương lai
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng lấy ngày 20/11 hằng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, sự tôn vinh của xã hội đối với các nhà giáo. Đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những người thầy của mình. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, trong 40 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Kạn đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng và tự hào.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong bối cảnh khi vừa mới được tái lập tỉnh ngày 1/1/1997, ngành GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Thời điểm năm học 1996 - 1997, toàn tỉnh mới có 34 trường mầm non với hơn 580 lớp học, tỷ lệ huy động vào nhà trẻ đạt 7%, trẻ mẫu giáo đạt 20%. Về giáo dục phổ thông, toàn tỉnh có 176 trường phổ thông với trên 69.000 học sinh, số phòng học được xây dựng từ cấp 4 trở lên đạt tỷ lệ hơn 22%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ (PCGDTH-XMC) mặc dù đã có nhiều cố gắng, song toàn tỉnh vẫn còn 44/122 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH-XMC. Số giáo viên phổ thông đạt chuẩn chiếm tỷ lệ thấp, chưa có giáo viên đạt trình độ thạc sĩ.

Những năm qua, ngành GD&ĐT Bắc Kạn đã đoàn kết nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Cơ sở vật chất các nhà trường tiếp tục được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 92/288 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 31,94%; trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu tăng thêm 60 trường chuẩn quốc gia. Công tác giáo dục dân tộc không ngừng được quan tâm đầu tư; hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú, 29 trường phổ thông dân tộc bán trú.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng trao quà cho Trường Mầm non Côn Minh, huyện Na Rì
tại Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023

Các cuộc vận động và phong trào thi đua trong giáo dục và đào tạo ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành hoạt động thường xuyên của mỗi tập thể, cá nhân. Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Ngành. Công tác quản lý giáo dục không ngừng được đổi; Ngành cũng quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đến nay, Sở GD&ĐT đã số hóa toàn bộ dữ liệu hồ sơ học sinh, giáo viên trên hệ thống vnEdu; 100% các trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, sổ đăng bộ; phần mềm hỗ trợ kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá trường chuẩn quốc gia; phần mềm quản lý thư viện; hệ thống quản lý sổ kế hoạch cho bậc học mầm non; ứng dụng trên điện thoại thông minh (vnEdu Teacher); hệ thống lịch công tác trực tuyến; triển khai đăng ký tuyển sinh đầu cấp hoàn toàn trực tuyến, đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học trực tuyến…

Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn được quan tâm chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.500 nhà giáo, phần lớn các nhà giáo có phẩm chất chính trị vững vàng, tâm huyết với nghề, có tinh thần tự học, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Hiện nay, toàn tỉnh có 1 Nhà giáo Nhân dân, 15 Nhà giáo Ưu tú, nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua và giáo viên dạy giỏi các cấp…

Trong hai năm học gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song toàn Ngành đã nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục tốt, 100% trẻ hoàn thành chương trình giáo dục theo độ tuổi. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi các cấp học năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ học lực yếu, kém giảm đáng kể. Đặc biệt, số lượng và chất lượng học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng được nâng lên. Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đạt 12 giải, trong đó có 1 giải Nhất, 6 giải Ba, 5 giải Khuyến khích, đây là lần đầu tiên tỉnh vinh dự có học sinh đạt giải nhất cấp quốc gia.

Giáo viên Trường Tiểu học Nông Hạ, huyện Chợ Mới ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Với đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo trong suốt 40 năm qua, cùng sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, chất lượng và hiệu quả giáo dục của tỉnh được duy trì, ổn định, từng bước nâng lên theo hướng bền vững. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm trên địa bàn tỉnh được tổ chức an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 95% trở lên, vượt so với chỉ tiêu tỉnh giao. Việc tổ chức thực hiện dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được thực hiện theo đúng lộ trình, đảm bảo nghiêm túc, nền nếp và phù hợp với thực tiễn địa phương.

Hiện nay, toàn Ngành đang ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD&ĐT. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo lộ trình. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT./.

Ngọc Tú