PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ (ban hành tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017), thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đến văn hóa đọc, luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Từ tháng 9/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”, với mục tiêu xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Theo đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Đề án; định kỳ mỗi năm tổ chức 01 cuộc thi quy mô cấp tỉnh đối với chương trình phát triển Văn hóa đọc.

Giai đoạn từ năm 2018-2020, tỉnh Bắc Kạn đã bố trí 840 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho việc thực hiện các hoạt động của Đề án: Ngày hội sách cấp tỉnh, cấp huyện; cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp tỉnh; sưu tầm, số hóa tài liệu các dân tộc thiểu số. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương bố trí lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề đọc sách và phát triển văn hóa đọc được đặc biệt quan tâm. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời trên địa bàn toàn tỉnh được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 07/10 hằng năm với các hoạt động như triển lãm sách, giới thiệu sách, tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, hướng dẫn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên mạng Internet hữu ích, an toàn... đã thu hút ngày càng đông sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4), tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc hằng năm đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách với lứa tuổi thanh thiếu nhi, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách cho thể hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Cùng với đó, hệ thống thư viện được quan tâm phát triển, mở rộng để hình thành môi trường đọc, xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc thuận lợi cho người dân ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, kể cả người khiếm thị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 thư viện tỉnh, 07 thư viện huyện, 10 thư viện xã và 15 thư viện cộng đồng, phòng đọc cơ sở, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, với tổng số 158.221 bản sách in, 43.766 đầu sách in, 36.982 tài liệu điện tử. Có 55 thư viện cơ sở giáo dục với 813.290 bản sách in, 176.828 đầu sách in, 816 đầu tài liệu điện tử. Tỉnh Bắc Kạn đã duy trì có hiệu quả hoạt động của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” (Dự án BMGF-VN), hằng năm phục vụ trên 51.900 lượt độc giả truy cập internet; xây dựng 01 Bộ sưu tập số “Tài liệu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn” với 11.244 trang tài liệu.

Trong 03 năm qua, hệ thống thư viện công cộng đã phối hợp với hệ thống trường học các cấp từng bước trang bị kỹ năng và phương pháp đọc sách cho học sinh, sinh viên. Thường xuyên vận động, khuyến khích mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là học sinh thường xuyên duy trì thói quen đọc sách. Số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 130.000 lượt/năm, duy trì gần 1.000 bạn đọc thường xuyên tại các thư viện. Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn phối hợp triển khai mô hình thư viện lưu động, phục vụ đọc sách miễn phí, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và người dân tham gia…


Đông đảo học sinh Trường Tiểu học xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) tham gia đọc sách, báo do Thư viện tỉnh tổ chức

Sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn nên các hoạt động thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Các mục tiêu về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức; nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc; tăng cường hoạt động thư viện, xuất bản chưa đạt so với Kế hoạch thực hiện Đề án đã đề ra.

Về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, đến nay, toàn tỉnh có 34% lượt người sử dụng được thư viện phục vụ, tuy nhiên chủ yếu ở khu vực thành phố, trung tâm các huyện.

Về tăng cường hoạt động thư viện, xuất bản, mức hưởng thụ bình quân sách mới đạt 01 bản/người dân (mục tiêu đặt ra là 05 bản/người dân); bình quân người sử dụng thư viện được phục vụ đối với tất cả các dịch vụ của thư viện mới đạt hơn 100.000 lượt/năm (mục tiêu là 200.000 lượt/năm); toàn tỉnh có gần 20% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn (mục tiêu đề ra là 50%); hệ thống thư viện công cộng các cấp chưa có vốn tài liệu phục vụ cho người khuyết tật là người khiếm thị…

Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn về kinh phí nên cơ sở vật chất của hệ thống thư viện công lập trên địa bàn tỉnh còn thiếu và chật hẹp, địa điểm bố trí chưa thật sự hợp lý, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ còn thiếu.

Một nguyên nhân chủ yếu nữa được xác định đó là nhận thức và sự quan tâm của xã hội đối với sự phát triển văn hóa đọc ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ số và các phương tiện truyền thông đại chúng, các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, Facebook, Zalo, Youtube… đã tác động, làm thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin, kiến thức truyền thống qua sách như trước đây.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định cần tập trung thực hiện trong thời gian tới đó là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh về Đề án phát triển văn hóa đọc của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch triển khai Đề án của UBND tỉnh để tiếp tục nâng cao nhận thức, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác thư viện; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện có đủ năng lực công tác, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, tăng cường công tác luân chuyển sách và phục vụ bạn đọc. Đẩy mạnh huy động nguồn xã hội hóa để phục vụ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.../.

Bích Huệ