PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tỉnh Bắc Kạn tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sáng 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19-NQ/TW); Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ đạo Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; đại diện một số hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn thành phố Bắc Kạn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Nghị quyết số 19-NQ/TW khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nghị quyết có mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Nghị quyết đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, trong đó với nhóm giải pháp “nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”, Nghị quyết nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện nghị quyết.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được Chiến lược khẳng định “có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái”. “Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Mục tiêu chung của Chiến lược là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiêp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Chiến lược xác định 8 nhóm định hướng và nhiệm vụ chính cần thực hiện, gồm: (1) Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; (2) Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; (3) Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các  mô hình nông nghiệp tiên tiến; (4) Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; (5) Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; (6) Phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; (7) Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp; (8) Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Tại đầu cầu tỉnh Bắc Kạn, tham luận với Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, lĩnh vực phát triển nông nghiệp là một trong ba lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Kạn. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng như Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn của Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã quán triệt, triển khai Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của tỉnh với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển nông nghiệp dựa trên thế mạnh và lợi thế phát triển của địa phương; lựa chọn 2 ngành hàng sản xuất để tham gia vào trục sản phẩm quốc gia là lâm nghiệp và dược liệu. Hiện nay, tỉnh bước đầu thu hút được các doanh nghiệp vào phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ; với ngành dược liệu, tỉnh đã hình thành với những sản phẩm bước đầu đánh giá quy mô chưa lớn nhưng đã có một số thương hiệu về vùng nguyên liệu và phẩm chế biến. Tuy nhiên, rừng trồng tại tỉnh hiện vẫn có chu kỳ khai thác ngắn, chưa mang lại hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích. 

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chiến lược, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số nội dung: Đối với diện tích rừng trồng cần có định hướng chỉ đạo kéo dài chu kỳ trồng rừng như chuyển đổi trồng cây gỗ lớn, trồng dược liệu dưới tán rừng… để tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện; có giải pháp tạo sinh kế cho người dân sống và bảo vệ được rừng tự nhiên khi mà chính sách bảo vệ rừng hiện nay không cao; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm các tỉnh phía Bắc trong đó có Bắc Kạn để có sự liên kết phát triển thành vùng dược liệu, phát triển thế mạnh về đất và lâm nghiệp./.

Hương Dịu