PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tổng kết Chiến lược phát triển thanh Việt Nam giai đoạn 2011-2020
Sáng 19/01/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020 (Đề án 567); Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500 tri thức trẻ).

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, có Giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Hội; đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các xã Bằng Thành, Cao Tân, Bộc Bố, An Thắng (huyện Pác Nặm), Thượng Giáo, Hoàng Trĩ (huyện Ba Bể) và các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ.  

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên và trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phát triển thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã triển khai đầy đủ và toàn diện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên trên các lĩnh vực được các bộ, ngành chú trọng. Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này là việc Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Thanh niên, đây chính nền tảng, là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên. Với sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc, rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, với bản thân; nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và lao động; sự tham gia của thanh niên vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ngày càng được tăng cường.

Thực hiện Đề án 567, các cấp ủy, chính quyền đã coi trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch để không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức các mặt của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Thông qua đào tạo bồi dưỡng, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt đã từng bước được nâng cao. Kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Chính phủ, giúp Nhân dân tin tưởng vào các cán bộ, công chức trẻ và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính ở xã.

Tính đến ngày 31/12/2014, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên Đề án 500 tri thức trẻ của 34 tỉnh với tổng số 500 đội viên, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra. Tháng 7/2015, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với UBND 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức bố trí 500 đội viên về xã công tác.

Hầu hết đội viên Đề án nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương, được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tiếp cận với công việc được giao. Các đội viên chủ động nghiên cứu các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của cấp trên; luôn hăng hái, không ngại khó, ngại khổ, tích cực đi cơ sở, nắm bắt điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán kết hợp với kiến thức được đào tạo để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Một số đội viên là người địa phương nên thuận lợi cho công tác nắm bắt tình hình địa bàn; thông thạo phong tục, tập quán, ngôn ngữ địa phương vì thế, việc tham mưu luôn đảm bảo gắn với thực tế. Sau 05 năm về xã công tác, đã có 393/500 đội viên là đảng viên, 90/500 đội viên đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bồi dưỡng để phát triển Đảng.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh không còn vị trí việc làm của công chức ở cấp xã để bố trí công việc cho đội viên Đề án sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào năm 2020. Qua rà soát, có 411 đội viên Đề án có nhu cầu được bố trí sử dụng; trong đó, có 121 đội viên Đề án được địa phương đề xuất dự kiến vị trí bố trí, sử dụng; còn 290 đội viên Đề án, các địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng.

Tại tỉnh Bắc Kạn, thực hiện Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020, các sở, ngành, địa phương đã cụ thể hóa các mục tiêu phát triển thanh niên vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và lĩnh vực ngành phụ trách; tạo điều kiện trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh niên; tạo cơ chế, chính sách để thanh niên tập trung triển khai hoạt động có hiệu quả. Thông qua thực hiện Chương trình phát triển thanh niên, đã góp phần thúc đẩy sự chủ động của Đoàn thanh niên các cấp trong việc tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền về các vấn đề liên quan đến nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Chương trình phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2011-2020 cũng đã giải quyết được những vấn đề cấp bách trong thanh niên như giải quyết việc làm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị và đạo đức cách mạng cho thanh niên, nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn nghề nghiệp cho thanh niên, phát huy vai trò của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án 567 được các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức trẻ ở xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tham gia bồi dưỡng các nội dung, chương trình của Đề án, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, thực hiện xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Từ năm 2015-2019, tỉnh đã phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức 10 lớp bồi dưỡng với số lượng 700 học viên theo đúng chỉ tiêu, đối tượng được Bộ phân bổ. Qua đó, cung cấp những vấn đề lý luận và thực tiễn cần thiết cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, góp phần tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành vi của cán bộ, công chức trẻ ở xã đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Đề án 500 tri thức trẻ, tỉnh Bắc Kạn tuyển chọn và bố trí 06 đội viên về công tác tại các xã của huyện Ba Bể và huyện Pác Nặm. Ngay sau khi được phân công về các xã công tác, các đội viên Đề án đã kịp thời bắt nhịp, tiếp cận công việc; tích cực tham mưu cho lãnh đạo UBND xã giải quyết những vấn đề về chuyên môn được phân công, góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành có liên quan, các địa phương trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020 và Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013-2020.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoàn Bình yêu cầu, Bộ Nội vụ chủ trì tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị để có các giải pháp khắc phục những hạn chế, xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tham mưu Chính phủ xem xét, cho chủ trương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2021-2025. Các nội dung bồi dưỡng cần bảo đảm ngắn gọn, chuyên sâu, tập trung vào nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức trẻ phù hợp với từng vùng miền, nhất là nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin. Các ngành, địa phương nghiên cứu, quan tâm thu hút đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi. Các địa phương bố trí sử dụng, đào tạo, xét tuyển phù hợp, đúng quy định pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện.../.

Hương Dịu