PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/07/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7
Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7/2022, Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán, vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và phòng ngừa xã hội đối với tội phạm mua bán người

Nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội và mỗi người dân trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố cần thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục tập quán của từng địa phương; tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; kết quả công tác phòng, chống mua bán người của lực lượng chức năng; tuyên truyền cách thức nhận biết, biện pháp phòng ngừa, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác và tích cực tham gia của mọi người dân.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; xây dựng các tư liệu, tài liệu, video clip, truyền tải thông điệp phòng, chống mua bán người trên các trang thông tin; chỉ đạo các nhà mạng viễn thông gửi tin nhắn tuyên truyền thông tin phòng, chống mua bán người trên hệ thống điện thoại di động; tăng cường ứng dụng các trang mạng xã hội có nhiều người sử dụng và theo dõi để tuyên truyền, đưa nội dung thông tin ngày 30/7 hằng năm là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống mua bán người trong các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật bằng hình thức phù hợp; phát huy hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trong tuyên truyền về phòng, chống mua bán người gắn với phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa.

Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học, nhất là ở các trường dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn đa dạng hóa các hình thức truyền thông về phòng, chống mua bán người, tăng cường phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi; phát sóng, đăng tải các phim phóng sự, tin bài về chủ đề phòng, chống mua bán người, đưa tin về Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022 do Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chủ động đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi phạm tội mua bán người

Ban Chỉ đạo 138 tỉnh yêu cầu lực lượng Công an, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tập trung triển khai các hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ và phòng xã hội, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm; phát huy vai trò các tổ chức chính trị xã hội ở địa bàn cơ sở; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động nắm tình hình, xác định đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người, đối tượng nổi lên, chủ mưu, cầm đầu đường dây tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự về tội danh mua bán người để chủ động phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả; tăng cường nắm tình hình tại các khu vực giáp ranh các tỉnh có biên giới, vùng sâu, vùng xa, các tuyến, địa bàn dễ phát sinh tội phạm mua bán người.

Thường xuyên rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (như các quán karaoke, massage...), địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội để chủ động phát hiện, phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Tiếp nhận kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người và khẩn trương triển khai công tác xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử điểm các vụ án (nếu có) nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm về mua bán người.

Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ ban đầu nạn nhân bị mưa bán (nếu có) theo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật. Tiếp tục tuyên truyền hoạt động của Tổng đài quốc gia 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em); duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận tin báo tội phạm để tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan chức năng kịp thời trợ giúp pháp lý cho nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tăng cường tiếp nhận tư vấn, tham vấn phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thông qua đường dây nóng, ngôi nhà bình yên; hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương…/.

Bích Huệ