PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022
Sáng 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng, chống dịch bệnh động vật những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện một số sở, ngành liên quan và các đơn vị trực thuộc...

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Ngay từ đầu năm, các cấp, ngành và địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Kết quả, đến nay cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 373.000 con, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 93.200 con, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020. Bệnh lở mồm long móng đã đã xảy ra tại 18 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh là 3.373 con, tiêu hủy 340 con. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 16.253 ha, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý là bệnh Viêm da nổi cục, từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra tại 51 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 187.970 con, số gia súc tiêu hủy là 24.890 con, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Tại tỉnh Bắc Kạn, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ đầu năm 2021 đến ngày 15/9/2021 đã xảy ra tại 1.145 hộ, tại 8 huyện, thành phố làm 4.962 con mắc bệnh, tương đương khối lượng tiêu hủy 225,9 tấn, ước thiệt hại khoảng trên 7 tỷ đồng. Bệnh Viêm da nổi cục xảy ra từ đầu năm 2021 đến ngày 15/9/2021 tại 1.110 hộ, thuộc 8 huyện, thành phố làm 2.780 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó chết 200 con, tương đương khối lượng tiêu hủy 31,358 tấn. Hiện nay, bệnh Viêm da nổi cục tại các địa phương trong tỉnh cơ bản được khống chế và không phát sinh ca nhiễm mới.

Từ nay đến cuối năm, cùng với đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo chỉ đạo chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bắc Kạn tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển chăn nuôi theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035 và Kế hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025 để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình dịch bệnh xảy ra tại các địa phương và những nhiệm vụ triển khai trong công tác phòng, chống dịch bệnh những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: Từ đầu năm đến nay, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết, sâu bệnh, song chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy sản vẫn đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước.

Để ngành Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế đất nước, trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các tỉnh, thành phố cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục, trong đó nhấn mạnh nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nhanh, gây tổn thất kinh tế lớn. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò và sản phẩm trâu, bò; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò nhập lậu qua biên giới. Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở. Tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại nguồn, nhất là các vùng nuôi tập trung, vùng nuôi trọng điểm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình nuôi mới, hiện đại, đồng bộ. Tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp tại các địa phương./.

Hương Lan