PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/03/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển vọng ngành sản xuất, chế biến thực phẩm
Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm đã có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Với tiềm năng sẵn có, ngành có triển vọng lớn để phát triển thời gian tới.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đang mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010), ngành chế biến thực phẩm và đồ uống đạt 62,805 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 76,627 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 4,06%/năm; cơ cấu GRDP nhóm ngành này năm 2020 chiếm 7,51% ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Sản phẩm chủ yếu là miến dong, bún, phở khô, tinh bột nghệ, nông sản sơ chế, chế biến…

Với đà phát triển đó, trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực chế biến thực phẩm đã mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, đầu tư thêm nhà máy để tiếp tục phát triển trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 147 cơ sở sản xuất bột, tinh bột (trong đó có 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ; 6 hợp tác xã sản xuất bún, miến, phở khô và số cơ sở sản xuất còn lại với mô hình là hộ cá thể); 1 doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Thanh Bình chế biến nông sản (quả mơ, gừng, kiệu,…) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Trong đó, toàn tỉnh có 37 cơ sở với năng lực sản xuất 4.500 tấn miến/năm, diện tích đất trồng nguyên liệu đạt từ 800 - 1.000 ha và đã có sản phẩm miến dong xuất khẩu sang thị trường châu Âu (miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan). Sản lượng sản xuất miến dong năm 2020 đạt 1.100 tấn, năm 2021 đạt 1.300 tấn.

Công ty TNHH Misaki tại Khu Công nghiệp Thanh Bình với nhiều sản phẩm nông sản chế biến xuất khẩu
  
sang thị trường Nhật Bản

Sản phẩm lĩnh vực công nghiệp sản xuất đồ uống chủ yếu là rượu trắng men lá. Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở sản xuất rượu quy mô công nghiệp với tổng công suất khoảng 400.000 lít/năm và 620 cơ sở sản xuất rượu thủ công. Năng lực sản xuất rượu trắng trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 3 triệu lít/năm. Sản phẩm rượu men lá có thương hiệu được thị trường tin dùng, điển hình như rượu men lá Bằng Phúc tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn với khoảng 180 cơ sở sản xuất tập trung.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của Sở Công Thương cho thấy, khu vực công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống có bước phát triển tốt, đã hình thành được nhiều sản phẩm có thương hiệu gắn với vùng nguyên liệu của phương, tạo việc làm cho người lao động tại khu vực nông thôn. Đây là triển vọng tốt để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian tiếp tới.

Theo Đề án phát triển công nghiệp chế biến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đầu tư kết cấu hạ tầng, vùng nguyên liệu và nguồn nhân lực; xây dựng đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong ngành công nghiệp; sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh và là động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến thực phẩm được tập trung phát triển bao gồm: Miến dong; cucurrmin nghệ; đồ uống (nước hoa quả, rượu trắng men lá, rượu trái cây); dược liệu; chè Shan tuyết…

Trong mục tiêu chung đó, Bắc Kạn chú trọng triển khai phát triển đối với nhóm sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống và tiểu thủ công nghiệp. Các vùng nguyên liệu dong riềng, cây chè được quan tâm phát triển cho các cụm sản xuất tập trung như: Cụm sản xuất miến tại xã Côn Minh, huyện Na Rì công suất từ 1.500 - 2.500 tấn miến/năm; cụm sản xuất miến tại huyện Ba Bể, công suất trên 1.000 tấn miến/năm; cụm sản xuất miến tại thành phố Bắc Kạn, công suất 1.000 tấn miến/năm và phát triển một số nhà máy sản xuất chè đặc sản của địa phương.

Cùng với đó là nghiên cứu, phát triển các sản phẩm miến dong ăn liền, bún, phở ăn liền và các sản phẩm gia vị miến dong…; tăng cường công tác liên kết chuỗi sản xuất từ khâu trồng, chế biến tinh bột và chế biến thành sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, sản lượng để đưa vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn và hướng tới xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng sản xuất miến dong đạt trên 4.500 tấn/năm; phát triển 3 nhà máy chế biến rượu quy mô công nghiệp, đạt sản lượng trên 1 triệu lít/năm và 2 nhà máy sản xuất rượu trái cây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án phát triển công nghiệp, Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách để phát triển ngành công nghiệp chế biến nói chung và công nghiệp chế biến thực phẩm nói riêng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2022; Nghị quyết về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Nghị quyết ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn… Đây là những chính sách quan trọng để hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của tỉnh Bắc Kạn có thêm động lực để phát triển./.

Hương Lan