PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/06/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chủ trì cuộc họp bàn về phát triển cây dong riềng và sản phẩm miến dong
Sáng 14/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chủ trì cuộc họp bàn về phát triển cây dong riềng, sản phẩm miến dong tỉnh Bắc Kạn và danh mục các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Toàn cảnh cuộc họp

Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, diện tích trồng dong riềng hằng năm ổn định 800 - 1.000 ha. Tuy nhiên, từ năm 2020 - 2022, các địa phương thực hiện diện tích cây dong riềng đều không đạt kế hoạch giao, bình quân hằng năm mới đạt 58,5% so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025.

Hiện nay, toàn tỉnh có 25 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 16 cơ sở vừa chế biến tinh bột vừa sản xuất miến, 8 cơ sở chuyên sản xuất miến (có 4 cơ sở chế biến đạt công suất trên 80 tấn miến dong/năm), 1 cơ sở chuyên sản xuất tinh bột.

Năm 2021, sản lượng miến sản xuất đạt 2.585 tấn, bằng 53,85% so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025. Các cơ sở sản xuất miến tiêu thụ được 73% lượng tinh bột, 22% lượng tinh bột dong phải bán ra thị trường ngoài tỉnh (chủ yếu của huyện Na Rì), lượng tinh bột còn dư 5% (tại huyện Ba Bể). Dự kiến năm 2022, sản lượng miến dự kiến sản xuất là 2.536 tấn, đạt 52,83% so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025; các cơ sở sản xuất miến tiêu thụ được 78% lượng tinh bột, 19% lượng tinh bột dong phải bán ra thị trường ngoài tỉnh (tại huyện Na Rì), lượng tinh bột còn dư 3% (của huyện Ba Bể).

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 9 sản phẩm miến dong được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm miến dong Tài Hoan được công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia (5 sao) và 8 sản phẩm 3 sao.

Cuộc họp đã tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân chủ yếu diện tích trồng dong riềng thực hiện không đạt chỉ tiêu hằng năm là do thu nhập từ trồng dong riềng quá thấp, khiến người dân không mặn mà trồng; một số diện tích đất trồng dong riềng nhiều năm liên tục năng suất giảm dần nên người dân đã chuyển sang luân canh trồng các cây trồng khác; năng lực chế biến miến dong của các cơ sở còn hạn chế; sản phẩm miến dong chưa được nâng cấp tương xứng với vùng nguyên liệu hữu cơ, VieetGAP...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong phát triển dong riềng và các sản phẩm miến dong của địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp khôi phục vùng quy hoạch trồng dong riềng. Ngành Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi đầu tư, củng cố vùng chế biến miến dong, phát triển sản phẩm tương xứng với tiềm năng. Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng kế hoạch phát huy lợi thế Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. Các địa phương quan tâm khôi phục vùng phát triển dong riềng; phối hợp với các sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã (HTX) quan tâm đến các cơ sở, HTX sản xuất miến dong; tuyên truyền đến các HTX, cơ sở sản xuất miến dong và người dân về lợi ích trong liên kết trồng dong riềng; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở chế biến miến dong. Các đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ thị trường tinh bột và miến dong để đảm bảo giữ vững thương hiệu và các tiêu chuẩn về Chỉ dẫn địa lý miến dong của Bắc Kạn.

Đối với danh mục các dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác rà soát, định hướng, đề xuất các danh mục dự án. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các địa phương đến ngày 25/6 phải hoàn thành xong danh mục dự án để báo cáo UBND tỉnh; khi đề xuất các danh mục dự án, cần vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.../.

Hương Dịu