PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”
Trước tình hình hoạt động “tín dụng đen” và đòi nợ trái pháp luật có dấu hiệu phức tạp trở lại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Các chi nhánh tín dụng cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân,
doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống
(Ảnh: Chi nhánh BIDV Bắc Kạn) 

Công văn nêu rõ:

Thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương đã quyết liệt đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và đòi nợ trái pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tình trạng một số ngân hàng, công ty tài chính được cấp phép hoạt động cho vay (hợp pháp), đã ký kết hợp đồng với các công ty, văn phòng luật dưới danh nghĩa tư vấn pháp lý, tư vấn xử lý nợ, ủy quyền thu hồi nợ… Lợi dụng hợp đồng này, các công ty, văn phòng luật đã thuê, sử dụng nhân viên để gọi điện, nhắn tin đòi nợ. Bên cạnh đó còn có một số công ty tài chính cho vay qua ứng dụng, các đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” này có bộ phận thu hồi nợ, sử dụng phần mềm, điện thoại gọi điện, nhắn tin nhắc nợ, đòi nợ… với nhiều cấp độ khác nhau, như: Ban đầu, các đối tượng sử dụng điện thoại, phần mềm nhắn tin, gọi điện nhắc nợ, nếu người vay chưa trả, các đối tượng sẽ tiếp tục nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới, gửi thông báo khởi kiện, giả mạo cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để đe dọa xử lý hình sự, bôi nhọ, vu khống người vay và người thân, đồng nghiệp với nhiều hình thức khác nhau. Khi người vay tiếp tục không trả, các đối tượng sẽ gọi điện đến người thân, cơ quan có liên quan để khủng bố tinh thần với các yêu cầu như buộc thôi việc, đuổi học, gọi bình ga, gọi xe cứu thương, đặt vòng hoa, đặt quan tài… đến các địa điểm trên để khủng bố, gây sức ép, buộc người vay hoặc những người có quan hệ với người vay phải trả nợ, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, tình hình hoạt động “tín dụng đen” và đòi nợ trái pháp luật có dấu hiệu phức tạp trở lại, tại nhiều địa phương tái diễn tình trạng quảng cáo, cho vay trên nền tảng công nghệ, phát tán, treo, dán tờ rơi, quảng cáo, mời chào cho vay (vay nóng, vay nhanh, vay không thế chấp…), nhất là tại các khu công nghiệp, trường học, khu dân cư…

Tại tỉnh Bắc Kạn, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cơ bản được kiềm chế, không còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động, các đối tượng cho vay thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, như: Sử dụng công nghệ cao để cho vay trực tuyến, vay online qua các ứng dụng trên điện thoại di dộng; cho vay dưới hình thức bắt buộc người vay ghi giấy nợ không thể hiện lãi suất, vay trả góp, hợp đồng mua bán, thuê xe ô tô, xe máy trả góp…, lãi suất là phương thức trả lãi được thỏa thuận bằng miệng hoặc giấy nợ do các đối tượng cho vay giữ, người vay trả lãi suất theo thỏa thuận nên gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Để tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” và đòi nợ trái pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung văn bản đã chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân nắm vững các chính sách, quy định của pháp luật trong hoạt động vay và cho vay; chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn, không tham gia hoạt động “tín dụng đen”. Nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến “tín dụng đen” và người có trách nhiệm liên đới theo quy định.

Công an tỉnh tiếp tục tăng cường triển khai, phát động cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung, các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” và đòi nợ trái pháp luật trên địa bàn tỉnh nói riêng. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở tổ chức hoạt động “tín dụng đen”; cơ sở kinh doanh cầm đồ và các cơ sở kinh doanh có nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh; xử lý những biển hiệu, biển quảng cáo có liên quan đến “tín dụng đen” vi phạm quy định về quảng cáo và Luật các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kiểm tra, xử lý, đề xuất cơ quan chức năng thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” hoặc vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đổi mới quy trình cho vay vốn theo hướng đơn giản hóa thủ tục nhưng vẫn bảo đảm an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật. Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng cường quảng cáo, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong điều tra các vụ án, vụ việc liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ công tác đăng ký đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự nói chung, cơ sở cầm đồ nói riêng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố quản lý nghiêm hoạt động quảng cáo, trong đó tập trung nắm tình hình, phát hiện, xử lý các cơ sở sai phạm về treo biển, dán, rải tờ rơi quảng cáo trái quy định có nội dung “hỗ trợ tài chính, cho vay tài chính, dịch vụ tài chính, đáo nợ ngân hàng, cho vay không cần cầm cố, cho vay chỉ cần căn cước công dân, sổ bìa đỏ…”; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh quảng cáo không sản xuất, mua bán các loại quảng cáo có nội dung như trên nếu khách hàng không phải tổ chức tín dụng.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho Nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; hướng dẫn Nhân dân vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Bắc Kạn tổ chức cho sinh viên, học sinh cam kết chấp hành nghiêm pháp luật, không phạm tội, mắc tệ nạn xã hội, không tham gia hoạt động “tín dụng đen”, đặc biệt không vay tiền với lãi suất cao hơn mức Nhà nước quy định.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh tuyên truyền, giáo dục giúp đoàn viên, hội viên và Nhân dân nắm vững các chính sách, quy định của pháp luật trong hoạt động vay và cho vay, gắn liền với công tác tuyên truyền các nội dung mới của Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến bà con Nhân dân, thanh niên để nâng cao nhận thức và tăng sự lựa chọn cho người dân trong quá trình vay vốn làm ăn. Quan tâm, sâu sát đời sống của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để kịp thời phát hiện và hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn chính đáng để hướng dẫn vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp.

Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là những vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo đảm xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra sai phạm. Trong quá trình tiến hành tố tụng chú ý làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh các loại tội phạm trên để có biện pháp khắc phục.

UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân trong việc phòng ngừa “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tội phạm. Thông tin rộng rãi, kịp thời về hoạt động vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương để Nhân dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn, xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.

Chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động theo dõi nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi dán tờ rơi, in, viết, quét sơn quảng cáo trên tường, cột điện, trụ điện, cây xanh, nơi công cộng… liên quan đến cho vay, huy động vốn và các nội dung quảng cáo khác nói chung làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tổ chức cuộc vận động bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, biển quảng cáo dán, in treo… làm mất mỹ quan đô thị, khu phố./.

Bích Huệ