PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực đẩy mạnh triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực này để nâng cao giá trị sản phẩm lợi thế của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh kiểm tra dự án ứng dụng khoa học công nghệ phát triển
bưởi Diễn tại huyện Chợ Mới

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về khoa học và công nghệ là “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn”. Trên cơ sở đó, Sở KH&CN đã chủ động bám sát nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương, kiên trì thực hiện mục tiêu lấy nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã giải quyết kịp thời các vấn đề bức thiết, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phục vụ đối tượng hưởng lợi là nông dân. Qua đó đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo bước chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.

Trong giai đoạn 2008 - 2020, Sở KH&CN thực hiện 157 nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới chiếm 68,3% (108/157 nhiệm vụ), kinh phí thực hiện các nhiệm vụ này chiếm tới 82,1%. Quá trình thực hiện đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Các đề tài, dự án khoa học đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Sở KH&CN tiên phong xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: Ứng dụng KHCN sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ, VietGAP tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) đã tăng năng suất chè trên 15%; chế biến 3 sản phẩm (hồng trà, bạch trà và trà xanh) theo quy trình công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị kinh tế lên gấp hai lần; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại huyện Chợ Mới, Ba Bể đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Chất lượng chè chế biến theo quy trình công nghệ của dự án được nâng lên rõ rệt, giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường; trồng mới và thâm canh cây cam sành Bắc Kạn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Dương Phong, Quang Thuận (Bạch Thông) cho năng suất tăng hơn 15 - 20%, chất lượng cao hơn so với diện tích ngoài mô hình...

Cùng với đó, Sở KH&CN đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong tuyển chọn giống vật nuôi và sử dụng các loại giống cây trồng mới có chất lượng trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Cụ thể, tuyển chọn được giống vịt bầu cổ xanh phát triển thành sản phẩm hàng hóa, tạo dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng; khảo nghiệm và tuyển chọn giống lúa thuộc dòng Japonica phù hợp với điều kiện tỉnh Bắc Kạn để phát triển sản xuất hàng hóa. Các giống cây ăn quả mới được đưa vào sản xuất như: Lê VH6, cam Xã Đoài, bưởi Diễn đều cho kết quả tốt. Nghiên cứu thử nghiệm cây trà hoa vàng và được đánh giá là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh. Ngoài ra, một số giống cây trồng mới làm nguyên liệu chế biến và phục vụ xuất khẩu như gừng trâu, củ kiệu, dưa chuột Nhật Bản, cà gai leo… đều được ứng dụng vào sản xuất đại trà. Những sản phẩm này đã mang lại giá trị không nhỏ cho người dân địa phương.

Cùng với đó, Sở KH&CN đã chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật, hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm đặc sản của tỉnh. Các đề tài, dự án triển khai đã chuyển giao quy trình sản xuất, công nghệ chế biến cho người dân và các hợp tác xã như: Sản xuất tinh dầu, trà hòa tan từ quả quýt; chăm sóc, thu hái và sơ chế cây dược liệu cà gai leo...; hỗ trợ thiết kế logo, bao bì, nhãn mác, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Công tác xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị sản phẩm được Sở KH&CN tập trung thực hiện. Đến nay, Sở đã trình Bộ KH&CN cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho 3 sản phẩm là hồng không hạt, quýt và miến dong; bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 4 sản phẩm là miến dong, gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết Bằng Phúc. Hiện nay, Sở đang phối hợp hoàn thiện hồ sơ đăng ký chương trình phát triển tài sản trí tuệ cho một số sản phẩm của địa phương. Tuy số lượng sản phẩm được bảo hộ của tỉnh còn ít nhưng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đặc sản của địa phương; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn còn hạn chế do chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đưa vào thực tiễn sản xuất còn chậm. Việc áp dụng, duy trì và nhân rộng kết quả các mô hình nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn…

Trong thời gian tới, với mục tiêu đưa KH&CN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, Sở KH&CN tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp; chú trọng các nhiệm vụ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản, dược liệu và gỗ; phát triển sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ, khai thác hiệu quả các nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Đồng thời tăng cường phổ biến kết quả nghiên cứu ứng dụng tới các tầng lớp nhân dân để các tập thể, cá nhân chủ động ứng dụng vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững./.

Hương Lan