PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

05/06/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Vượt khó, nâng cao kết quả phổ cập, xóa mù chữ tại huyện Ngân Sơn
Là một trong 2 huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, vượt lên trên những khó khăn về địa hình, giao thông, dân cư phân tán và điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế, Ngân Sơn đã và đang nỗ lực duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, coi đây là nền tảng để từng bước nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực địa phương.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Huyện đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3
(Ảnh: Một tiết dạy học tại Trường Tiểu học Thuần Mang, huyện Ngân Sơn)

Điểm sáng đầu tiên trong bức tranh giáo dục Ngân Sơn là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 2024, huyện tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Tiếp nối là kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trong năm học 2023 - 2024, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,78%. Đây là kết quả của việc duy trì sĩ số học sinh, một nhiệm vụ khó khăn đối với các địa phương vùng cao, để được công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3.

Đối với bậc trung học cơ sở, tỷ lệ tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 của huyện đạt 94,41%. Đáng ghi nhận, 90% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3. Năm 2024, huyện Ngân Sơn đạt tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 theo quy định.

Không chỉ tập trung vào phổ cập giáo dục cho học sinh trong độ tuổi đến trường, Ngân Sơn đặc biệt chú trọng công tác xóa mù chữ cho người lớn, nhất là phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Tính đến hết năm 2024, 10/10 đơn vị cấp xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Các lớp học xóa mù chữ được mở tại các điểm trường, trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật được tiếp cận với giáo dục căn bản. Nhờ vậy, tỷ lệ người biết chữ trong các nhóm tuổi ngày càng được nâng lên.

Dù đã đạt được một số kết quả, song công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở Ngân Sơn vẫn còn đối diện với không ít khó khăn. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở độ tuổi từ 15 - 18 vẫn còn ở mức hơn 4%, phần nhiều do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, khoảng cách địa lý xa xôi, hoặc do nhu cầu lao động sớm…

Để khắc phục những tồn tại trên, huyện Ngân Sơn phấn đấu tiếp tục duy trì vững chắc kết quả đã đạt được, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, đồng thời đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS, tăng tỷ lệ học nghề, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

Về phổ cập mầm non, năm 2025 huyện đặt mục tiêu giữ vững tỷ lệ 100% trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục. Với bậc tiểu học, phấn đấu duy trì 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình đạt 98% trở lên. Đối với bậc THCS, phấn đấu nâng tỷ lệ tốt nghiệp THCS lên trên 93%, đồng thời tăng tỷ lệ thanh thiếu niên tiếp tục học lên THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt ít nhất 78%.

Trong công tác xóa mù chữ, huyện phấn đấu nâng tỷ lệ người biết chữ từ 15 - 25 tuổi đạt 99%, từ 15 - 35 tuổi đạt 96% và từ 15 - 60 tuổi đạt 90% trở lên.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, huyện Ngân Sơn sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Cùng với đó là huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, thôn, bản và đặc biệt là Trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở.

Một trong những trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các trường học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, tăng cường phụ đạo học sinh yếu kém, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, học sinh nghèo tiếp cận giáo dục. Huyện cũng tiếp tục quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, kiên cố hóa trường lớp và bảo đảm đầy đủ các điều kiện vệ sinh, nước sạch, an toàn trường học./.

Hương Lan