PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/02/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn tại thôn Phiêng An và thôn Chúa Lải
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Mặc dù có tiềm năng phát triển song những năm qua, loại hình du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa thực sự được quan tâm, đầu tư phát triển theo đúng định hướng. Theo đó, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú và mua sắm các sản phẩm đặc sản từ nông nghiệp, các sản phẩm thủ công tại các thôn, bản rất ít do chưa hình thành được các điểm du lịch nông thôn. Chính vì vậy, nguồn thu từ dịch vụ du lịch nông thôn của tỉnh thời gian qua chưa đáng kể, sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, định hướng phát triển một cách bài bản.

Người dân thôn Phiêng An, xã Quang Thuận vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Dao

Nhận thấy thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động sinh hoạt, sản xuất... gắn với du lịch cộng đồng. Bởi nơi đây vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Dao, sử dụng ngôn ngữ Dao, dịp lễ, tết mặc trang phục truyền thống dân tộc. Thôn còn có khuôn viên vườn cây ăn quả như ổi, cam quýt, bưởi xen lẫn đồi chè, với diện tích khoảng 14,5 ha. Các loại cây ăn quả ở đây được chăm sóc theo tiêu chí hoa quả sạch đạt tiêu chuẩn OCOP, phong phú về chủng loại, sản lượng đủ cung cấp quanh năm. Bên cạnh đó, thời gian qua, được chính quyền ủng hộ, người dân trong thôn đã tích cực chỉnh trang lại khuôn viên, vườn, chuồng trại chăn nuôi, chuyển hướng sản xuất trồng trọt, đổi mới cách thức sản xuất, sẵn sàng hợp tác xây dựng mô hình điểm du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đời sống cũng tăng nguồn thu nhập... Hiện tại, một số công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã bắt đầu quan tâm và đưa khách du lịch đến thôn để tham quan, trải nghiệm du lịch và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp sạch của người dân trong thôn. Nắm bắt được thị hiếu của khách du lịch, một số hộ gia đình trong thôn đã mạnh dạn tìm hiểu, áp dụng mô hình phát triển trồng trọt kết hợp với trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp phục vụ du khách.

Cũng giống với Phiêng An, thôn Chúa Lải nằm cách trung tâm huyện Chợ Mới 25 km và chỉ cách trung tâm thành phố Bắc Kạn 15 km, thôn hiện vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tày; các làn điệu hát sli, hát lượn, nấu các món ăn ẩm thực của người dân địa phương vẫn được duy trì. Hiện bà con trong thôn đã trồng hoa hai bên đường, thôn còn giữ được một số ngôi nhà sàn và đặc biệt hơn, người dân ở đây đã nhận thức khá tốt về phát triển du lịch cộng đồng, biết tạo cảnh quan, có ý tưởng tạo ra các sản phẩm để phục vụ khách du lịch, du khách đến thôn có thể trải nghiệm sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, một số công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã đưa khách du lịch đến thôn trải nghiệm tìm hiểu về phong tục tập quán của người Tày, các nghề thủ công, trang phục truyền thống, cách chế biến các món ăn, các loại bánh truyền thống của người Tày và hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Trực tiếp trải nghiệm cùng người dân chế biến những món ăn truyền thống, làm các loại bánh; đi cày, cấy và thu hoạch lúa ngô, trồng rau, câu cá dịch vụ tại hồ Nà Đon, hồ Tân Minh, đan lát một số vật dụng trong gia đình... Trong thôn đã thành lập nhiều tổ hợp tác để hỗ trợ nhau trong sản xuất nông nghiệp, du lịch, nhiều hộ gia đình đã chỉnh trang và xây dựng nhà cửa để đón tiếp khách.

Trên địa bàn tỉnh, còn rất nhiều những khu dân cư, làng bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như Phiêng An và Chùa Lải để phát triển du lịch. Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến sẽ đầu tư khoảng 16.250 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cho hai thôn nói trên. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, nâng cao kỹ năng kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiệp vụ du lịch; chế biến các món ăn... cho các hộ dân tại hai thôn. Trong đó, tại thôn Phiêng An và thôn Chúa Lải sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá về mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp trên các kênh thông tin đại chúng. Ngoài ra, Bắc Kạn sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về các tuor liên kết với điểm du lịch nông thôn cho các công ty, đơn vị lữ hành. Sau khi các mô hình đi vào hoạt động, phấn đấu mỗi năm thu hút hơn 15.000 lượt khách với dự kiến doanh thu mang lại khoảng 9 tỷ đồng và tăng dần về số lượng vào các năm tiếp theo.

Việc xây dựng các mô hình điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, mà còn từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân./.

Thu Trang