PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xây dựng văn hóa kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt
Sau gần 14 năm thực hiện, Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo sự quan tâm hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ, làm thay đổi xu hướng lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng trên cả nước cũng như địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Người dân trên địa bàn tỉnh đã hình thành thói quen mua sắm và tiêu dùng hàng Việt
(Ảnh: Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX Thiên An)

Nhằm tiếp tục xây dựng văn hóa kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết và nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, từ đó xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng. Đồng thời tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa dịch vụ.

Năm vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có nhiều đổi mới trong cách thức thông tin, tuyên truyền về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia CVĐ. Đăng tải nhiều hoạt động, tin, bài trên trang Web, Facebook của MTTQ tỉnh quảng bá về sự kiện “Xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn năm 2022”; Ngày hội nông sản - OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022 với gần 50 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; “Tuần lễ giới thiệu miến dong và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022” tại khuôn viên của Siêu thị Coopmart Hải Phòng, gồm 24 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của tỉnh.


Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền 
tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể

Cùng với đó, các sở, ban, ngành của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của Việt Nam và của tỉnh. Tăng cường các hình thức tuyên truyền nhằm giới thiệu về những sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt, sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn, sản phẩm nông sản chất lượng, những địa chỉ doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt và của địa phương trên thị trường. Thúc đẩy các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xây dựng, đăng ký và công bố thương hiệu sản phẩm. Tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 vào các khâu của quy trình sản xuất kinh doanh, nhất là bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, hàng hóa Bắc Kạn và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước, trong tỉnh có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; thúc đẩy sử dụng ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ Việt Nam và của tỉnh có chất lượng tốt.

Các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tổ chức các chiến dịch quảng cáo, các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và lắp đặt, bảo hành sau bán hàng đáp yêu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, quan tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chủ động công tác xúc tiến đầu tư thương mại, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, mở rộng sản xuất, đổi mới cách thức phân phối hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, ổn định giá bán sản phẩm.

Có thể nói, CVĐ đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và tính tự giác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhất là nhận được sự hưởng ứng của đa số người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng hàng Việt. Xây dựng thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc bằng những hành động thiết thực trong mỗi người dân, hướng đến lựa chọn nội địa, nhất là những mặt hàng trong nước sản xuất có chất lượng cao, giá cả phù hợp, cũng như những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh. Điều này được thể hiện rất rõ tại các hội chợ thương mại do ngành Công Thương tổ chức trong thời gian qua. Tại các gian hàng trưng bày sản phẩm chất lượng cao do các doanh nghiệp trong nước sản xuất luôn thu hút số lượng lớn khách tới tham quan mua sắm.

Năm 2023, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trên 3 trụ cột: Đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ; có cơ chế chính sách phù hợp với luật pháp quốc tế để kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp, hợp tác xã và người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa kinh doanh và tiêu dùng của người Việt Nam./.

Thu Trang