PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Anh Vi Hoàng Sơn – Tấm gương làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp
Những năm gần đây, phát triển mô hình kinh tế tổng hợp đã và đang là hướng đi mang lại hiệu quả cao. Thông qua mô hình, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã vươn lên làm giàu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Anh Vi Hoàng Sơn ở thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn là một trong nông dân điển hình đó.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Anh Vi Hoàng Sơn đang hái những quả mác cọt cuối vụ ở vườn nhà

Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Vi Hoàng Sơn nằm sâu trong một khu rừng thuộc thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực. Từ năm 1997, anh đã cùng bố, mẹ đến đây để trồng cam, quýt và nuôi lợn, gà. Tuy nhiên, việc trồng trọt, chăn nuôi khi đó theo hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Nhận thấy nơi đây có nguồn tài nguyên đất, nước khá phong phú, hơn nữa điều kiện khí hậu, thời tiết lại phù hợp với một số cây trồng đặc sản, đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn như hồng không hạt, mác cọt, cam, quýt... vì vậy, năm 2005, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Trồng trọt thuộc Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, anh đã quyết tâm đem những kiến thức đã được đào tạo để về khởi nghiệp tại quê nhà.

Với suy nghĩ đó, anh Sơn cùng gia đình từng bước mở rộng diện tích, quy mô sản xuất và thay đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Do vùng đất nằm sâu trong rừng, giao thông đi lại khó khăn nên việc vận chuyển giống cây, phân bón, nông sản đi tiêu thụ cũng tốn nhiều thời gian, công sức. Đất đai nơi đây tuy rộng nhưng địa hình rất dốc, việc chăm sóc, bón phân cho cây cũng không hề dễ dàng, rồi các loài sâu bệnh mới xuất hiện khiến cho việc sản xuất càng trở nên khó khăn… Mặc dù vậy, anh Sơn vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê của mình, tích cực đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế ở trong và ngoài tỉnh để về áp dụng tại địa phương. Kết quả bước đầu, gia đình anh trồng được khoảng 1 ha cây cam, quýt, hồng không hạt và mác cọt nên đã có được nguồn thu nhập khá ổn định. Để cây phát triển tốt, theo anh Sơn, người trồng phải chăm sóc rất công phu, bài bản, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.

Không dừng lại ở đó, anh Vi Hoàng Sơn còn nghiên cứu trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Mận, lê VH6... Tuy nhiên, cây lê VH6 không phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây nên gia đình tiếp tục tập trung vào mở rộng diện tích cây hồng không hạt và xác định đây là cây trồng chủ lực. Sau nhiều năm miệt mài vun trồng, chăm sóc, đến nay, gia đình đã có khoảng 3,5 ha cây hồng không hạt với 1.400 cây, trong đó khoảng 800 cây đang cho thu hoạch. Về sản lượng hồng không hạt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng hơn 20 tấn quả, giá bán tại vườn từ 20 - 25.000/kg. Ngoài ra, cây cam, quýt cho sản lượng trung bình mỗi năm 40 tấn quả; 50 cây mác cọt, cho thu khoảng 4,5 tấn quả. Với cây mác cọt, anh chủ yếu bán quả tươi với giá 15.000đ/kg, tuy nhiên tới đây, sẽ nghiên cứu chế biến đóng hộp để bán.

Nhìn lại thành quả lao động sau nhiều năm của cả gia đình, anh Sơn phấn khởi cho biết, từ 1 ha trồng cây ăn quả lúc ban đầu, đến nay, cả gia đình đã mở rộng diện tích được 8 ha. Ngoài việc trồng các loài cây ăn quả, gia đình anh còn kết hợp phát triển chăn nuôi với hơn 30 đàn ong mật, 80 con lợn... Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm cả gia đình thu về khoảng hơn 400 triệu đồng tiền lãi từ việc trồng trọt và chăn nuôi.

Hồng không hạt được gia đình anh Sơn xác định là cây trồng chủ lực

Cùng với tập trung sản xuất, anh Sơn còn tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Lúc đầu, nông sản chủ yếu được bán ở địa phương, dần dần được nhiều khách hàng biết đến nên anh mở rộng thị trường tiêu thụ tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh… Tuy nhiên, hiện nay, số lượng nông sản vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường.

Thời gian tới đây, anh Sơn mong muốn được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Đồng thời, xây dựng nhà xưởng để chế biến và phân loại sản phẩm trước khi đưa đi tiêu thụ, phấn đấu đưa sản phẩm quả mác cọt đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Trên cơ sở mô hình kinh tế hiện tại, anh Sơn bày tỏ hy vọng sẽ phát triển thành hợp tác xã trồng cây ăn quả xã Hiệp Lực.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hiệp Lực, luôn tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động. Nhiều người biết đến mô hình kinh tế tổng hợp của anh đã đến tham quan, học hỏi. Hằng năm, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên có cử sinh viên tới nhà vườn thực tập, anh luôn sẵn lòng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của mình với mọi người.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và khát vọng vươn lên đã giúp cho anh Vi Hoàng Sơn có được mô hình kinh tế tổng hợp phát triển như ngày hôm nay. Tin rằng, anh sẽ tiếp tục thực hiện được những ước mơ và dự định của mình, đưa mô hình kinh tế phát triển hơn nữa để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Ngọc Tú