PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

09/03/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn giảm 10,9% hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo của tỉnh Bắc Kạn là 10,9%, bình quân mỗi năm giảm 2,18%, đạt mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra (mỗi năm giảm 2% - 2,5%). Kết quả này cho thấy, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các chương trình, dự án và việc lồng ghép các nguồn lực đã tác động rất lớn đến công tác giảm nghèo của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Được sự quan tâm của Trung ương, giai đoạn vừa qua, Bắc Kạn được bố trí tổng vốn kế hoạch Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên 1.080 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trên 814 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 266 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường, lớp học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt tập trung tại các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn được xây dựng mới, duy tu bảo dưỡng. Các công trình đã được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, góp phần mở rộng giao thương, cải thiện điều kiện sinh sống và sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân.

Anh Đinh Văn Tỷ, thôn Pác Liển, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm được vay vốn tín dụng chính sách để thực hiện mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo

Song song với xây dựng hạ tầng, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các mô hình sinh kế, các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Chương trình 135, 30a, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, qua đó thúc đẩy hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia phát triển kinh tế theo hình thức kinh tế tập thể, phát huy nội lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016 - 2020, có trên 87.574 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách xã hội, giúp họ có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Các chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; y tế; nhà ở; tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người nghèo, cận nghèo hưởng thụ văn hóa thông tin; hỗ trợ tiền điện; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù… được triển khai kịp thời, đúng quy định, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, Bắc Kạn đã thực hiện hỗ trợ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 61.922 lượt học sinh với số tiền 12.682 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 78.592 lượt trẻ em mẫu giáo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 60.290 triệu đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 1.206.954 lượt người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội, với tổng kinh phí hơn 922,783 tỷ đồng; hỗ trợ được 1.005 hộ nghèo khó khăn về nhà ở, đạt 63,09%; cấp 18 loại báo, tạp chí với hơn 723.747 số báo đến đồng bào vùng dân tộc và miền núi theo quy định… Đến cuối năm 2020, tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,3%, tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98% và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%; 104 xã, phường đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. 

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ba Bể trao Giấy chứng nhận
cho các học viên đã tham gia lớp dạy nghề mây tre đan cho các thành viên HTX Yến Dương (Ba Bể)

Để giảm nghèo bền vững, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động của được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Đến hết năm 2020, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 31.803 lao động; tư vấn việc làm cho 27.867 lao động; dạy nghề cho 31.185 lao động (gồm các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng); đưa 2.800 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Không chỉ quan tâm đến đối tượng lao động nông thôn, tỉnh đã rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp theo hướng tinh gọn giảm đầu mối, chú trọng đào tạo chất lượng cao gắn với thị trường lao động trong và ngoài nước. Sau khi sắp xếp, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 19 cơ sở, trong đó có 01 trường cao đẳng duy nhất, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 03 trung tâm có tham gia giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy; tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị đào tạo nghề và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên; đổi mới giáo trình đảm bảo 70% thời gian thực hành; có sự kết nối với các doanh nghiệp trong quá trình thực tập và tuyển dụng học sinh. Tiêu biểu như Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã ký kết hợp tác đào tạo với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, Trường đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nghiệp đối tác, các em được làm việc đúng các nghề được đào tạo, thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân, lao động đã qua đào tạo có thêm cơ hội làm việc, tỉnh đã quan tâm đầu tư, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin và hỗ trợ người lao động tại khu vực vùng sâu, vùng xa đi làm việc tại các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh. Với những giải pháp tổng thể, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt đã làm thay đổi đời sống người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của tỉnh đã có được những chuyển biến đáng ghi nhận. Nếu như đầu năm 2016, toàn tỉnh có tổng số 22.706 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 29,4%; tổng số hộ cận nghèo là 9.269 hộ, chiếm tỷ lệ 12% thì đến năm 2020, giảm xuống còn 14.982 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,5%; 8.469 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 10,46%. 

Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù của các địa phương, tỉnh Bắc Kạn xác định mục tiêu chung của giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2 - 2,5%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3,5 - 4%/năm. Đến năm 2025, nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo với các chỉ tiêu phấn đấu: 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 85% hộ nghèo có nhà ở đảm bảo chất lượng, đảm bảo diện tích nhà ở; 98% hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo có phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin…

 

Thu Trang