PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/05/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản
Từ khi Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai thực hiện đã tạo hành lang pháp lý giúp cho việc hoạch định và triển khai các kế hoạch trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, hiệu quả và đúng pháp luật, góp phần tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn, huyện Chợ Đồn

Xác định rõ tầm quan trọng của Nghị quyết số 02-NQ/TW, công tác tuyên truyền về quy định trong hoạt động khoáng sản được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về khoáng sản cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh đã khuyến khích thu hút đầu tư các dự án khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sử dụng triệt để và tiết kiệm khoáng sản, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Nhờ đó, các doanh nghiệp được tạo điều kiện đầu tư, cải tạo, mở rộng đối với các mỏ khoáng sản để cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu nằm trong quy hoạch chung của cả nước. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 nhà máy chế biến khoáng sản, trong đó có 8 nhà máy đã được xây dựng, 2 dự án nhà máy đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư.

Mặt khác, tỉnh cũng đã có những cơ chế, chính sách về tài chính thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc thông qua hình thức không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản). Sau khi các tổ chức, cá nhân hoàn thành công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản, cơ quan chuyên môn xác định đúng giá trị tài nguyên khoáng sản được khai thác trước khi cấp giấy phép khai thác. Công tác tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tỉnh luôn chú trọng việc cấp phép khai thác khoáng sản gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và phải gắn với chế biến sâu, nhất là các nhà máy chế biến sâu nằm trong quy hoạch chung của cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có Nhà máy luyện gang Bắc Kạn tại xã Cẩm giàng, huyện Bạch Thông; Nhà máy luyện chì Lũng Váng, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn; Nhà máy luyện chì tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn; Nhà máy sắt xốp tại Khu công nghiệp Thanh Bình; Nhà máy điện phân chì kẽm tại Đèo Khau Thăm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn; Nhà máy luyện chì tại thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn.

Cùng với đó, chính sách bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cũng được địa phương quan tâm. Hằng năm, tỉnh đều lập Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, tuy nhiên Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa hướng dẫn cụ thể về kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, dẫn đến địa phương gặp khó khăn trong thực hiện. Mặt khác, do ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên việc bố trí kinh phí để thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác gặp nhiều khó khăn.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản, từ năm 2011 đến hết năm 2020, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 57 dự án khai thác và chế biến khoáng sản với tổng số vốn đăng ký trên 5.140 tỷ đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cấp 47 giấy phép thăm dò khoáng sản và 60 giấy phép khai thác khoáng sản. Hiện nay, có 48 giấy phép khai thác còn thời hạn.

Song song với đó, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm trong hoạt động khoáng sản, từ đó kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở và chấn chỉnh để đảm bảo đúng quy định. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản ngày càng được nâng lên, hoạt động khoáng sản dần đi vào nền nếp. Việc xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản được thực hiện nghiêm và tuân thủ quy định.

Trong những năm gần đây, giá nhiều loại khoáng sản trên thế giới giảm sâu nên thị trường xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến giảm mạnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp tại địa phương. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân công dẫn đến hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh sụt giảm.

Hơn nữa, điều kiện địa hình của tỉnh không thuận lợi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản gặp nhiều khó khăn, suất đầu tư lớn. Ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa bố trí kinh phí để thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ khoáng sản một cách cụ thể, đầy đủ. Trong khi đó, chính sách về thuế đối với hoạt động khoáng sản còn thấp, nhiều khu vực chưa bù đắp được những thiệt hại về hạ tầng cơ sở, môi trường do hoạt động khoáng sản gây ra...

Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định, song theo đánh giá, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã nhận thức cơ bản đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách về khoáng sản cơ bản được hoàn thiện, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản tại địa phương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm./.

Hương Lan