PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/08/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Từ năm 2016 đến nay, khu vực dịch vụ phát triển ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao
Từ năm 2016 đến nay, khu vực dịch vụ của tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phát triển ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 6,3%/năm, đóng góp tỷ trọng cao nhất vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, khu vực dịch vụ thương mại của tỉnh có bước phát triển và tăng trưởng tương đối nhanh. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự báo có mức tăng trưởng bình quân là 9,47%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt trên 6.140 tỷ đồng, tăng gấp 1,45 lần so với năm 2015.

Công tác xuất nhập khẩu có nhiều biến động, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 ước đạt 10 triệu USD, trong đó xuất khẩu đang có sự khởi sắc và tạo đà cho tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân 67,29%/năm. Sản phẩm xuất khẩu của Bắc Kạn chủ yếu là tinh quặng chì, than củi, gỗ ván dán, bột đá cácbonat, mơ tươi đã qua sơ chế... Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chế biến sâu khoáng sản và nông, lâm sản.

Đối với dịch vụ du lịch, ngành du lịch của tỉnh tiếp tục có bước phát triển khá. Tổng lượt khách du lịch đến Bắc Kạn trong giai đoạn 2016-2020 ước đạt trên 2,4 triệu lượt, bình quân hằng năm tăng 7,9%/năm, so với giai đoạn 2011-2015 tăng 53%; doanh thu ngành du lịch tăng 76% so với giai đoạn 2011-2015. Thời gian qua, Bắc Kạn đã tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Cùng với đó, các dự án đầu tư tập trung vào việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; khai thác chương trình du lịch về nguồn, về các điểm di tích lịch sử - cách mạng như ATK Chợ Đồn, đèo Giàng, Phủ Thông…; phục dựng và bảo tồn một số lễ hội, nghề truyền thống và những di sản văn hóa phi vật thể khác, bảo tồn các bản làng còn mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc để xây dựng các chương trình tham quan hấp dẫn, đặc trưng cũng được quan tâm chú trọng. Hiện nay, Bắc Kạn đã đầu tư khai thác và phát triển một số loại sản phẩm du lịch chính như: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa lịch sử, du lịch về nguồn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch cộng đồng; du lịch lễ hội gắn với nghề thủ công truyền thống; du lịch tìm hiểu văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc; du lịch mạo hiểm, leo núi và phát triển các sản phẩm du lịch mới có tiềm năng và điều kiện như du lịch sáng tạo, du lịch chuyên đề, du lịch mua sắm...


Loại hình dịch vụ du lịch homestay tiếp tục phát triển tại Vườn Quốc gia Ba Bể 

Trong cơ cấu nội ngành dịch vụ của tỉnh, thương mại bán buôn, bán lẻ và du lịch vẫn là ngành có đóng góp quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện nay, các ngành có giá trị gia tăng cao như: Thông tin, truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục và đào tạo… đang có xu hướng phát triển và ngày càng đóng góp nhiều hơn cho kinh tế của địa phương.

Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các ngân hàng, chi nhánh tài chính tín dụng đã tích cực triển khai các dịch vụ ngân hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và của nền kinh tế như: Mở rộng địa bàn hoạt động, lắp đặt máy ATM, POS, triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng tại các huyện, khu công nghiệp; đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh kênh phân phối điện tử, dịch vụ tiện ích... Tổng huy động vốn toàn tỉnh ước thực hiện đến 31/12/2020 đạt 8.068 tỷ đồng, tăng 108,1% so với cuối năm 2015, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân ước đạt 16,01%/năm; tổng dư nợ tín dụng ước 10.390 tỷ đồng, tăng 53,5% so với cuối năm 2015, tăng bình quân 7,8%/năm; tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ giai đoạn 2016-2020 duy trì đều ở mức dưới 3%.

Trong lĩnh vực thông tin truyền thông, hiện Bắc Kạn có 01 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, 05 đơn vị tham gia chuyển phát và 04 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới điểm phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa các dịch vụ, đưa vào khai thác các dịch vụ mới công nghệ cao và tham gia cung ứng dịch vụ hành chính công, góp phần phát triển lành mạnh thị trường bưu chính, viễn thông, phục vụ hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhu cầu thông tin, liên lạc của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh. Hiện nay, cả tỉnh có 136 điểm bưu chính, bán kính phục vụ bình quân 3,37km/điểm, số dân phục vụ bình quân đạt 2.386 người/điểm; 100% xã có báo, tạp chí được phát trong ngày đến trụ sở xã; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được phủ sóng di động, kết nối Internet băng rộng cáp quang; mạng di động 3G, 4G phủ sóng rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, mạng lưới trường, lớp đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non được thực hiện hiệu quả, cả tỉnh có 45 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Hệ thống y tế địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường. Từ năm 2015 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính; hiện tại, 47,8% đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần chi thường xuyên; 52,2% đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ; 100% đơn vị quản lý hành chính thực hiện tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP. Việc trao quyền tự chủ đã giúp đơn vị chủ động và tích cực trong việc khai thác nguồn thu nhất là mở rộng các loại hình xã hội hóa. Bên cạnh đó, việc tăng giá dịch vụ y tế tạo điều kiện nâng cao khả năng tự chủ về tài chính và cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước…

Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực phấn đấu: Giai đoạn 2021-2025, khu vực dịch vụ tăng trưởng đạt 7,0%/năm và đến năm 2025 chiếm 53% trong cơ cấu kinh tế; trong đó, tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân đạt 11,5%/năm; xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân 10%/năm; phát triển du lịch Bắc Kạn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.../.

Thu Cúc