PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/06/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI
Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Bắc Kạn chú trọng nhằm xây dựng môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Quyết liệt trong công tác chỉ đạo

Tháng 4/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết số 08-NQ/TU) nhằm xây dựng môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh; xây dựng hình ảnh của Bắc Kạn là một tỉnh năng động về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng mọi giải pháp để cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PCI.

Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016 - 2020; các kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hằng năm. HĐND tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai bằng các kế hoạch/chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chỉ đạo các nghành chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện giải pháp cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh.

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh đến các đơn vị, địa phương; đăng tải thông tin Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên Cổng Thông tin điện tử, Website của các sở, ngành, địa phương; thường xuyên cập nhật thông tin về lĩnh vực đầu tư mà các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm…

Từng bước xây dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng

Trong thời gian qua, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh được thực hiện gắn kết với chương trình hoạt động của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố. Các cơ quan tăng cường phối hợp trong quá trình xây dựng, ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách, chiến lược; cung cấp thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Việc rà soát các thủ tục hành chính (TTHC), bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thực hiện thường xuyên. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện rà soát 2.442 TTHC, qua rà soát đã kiến nghị đơn giản hóa 281 TTHC với nội dung đơn giản hóa chủ yếu là giảm lượng thành phần hồ sơ, mức phí, lệ phí, thời hạn giải quyết…

Việc cải cách TTHC trong lĩnh vực đầu tư được tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong tất cả các cơ quan quản lý nhà nước. Đến nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết từ cấp tỉnh đến cấp xã được đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa và được ứng dụng công nghệ thông tin qua phần mềm ứng dụng riêng. Theo đánh giá của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, việc thực hiện TTHC hiện nay đã có nhiều thuận lợi, minh bạch hơn, góp phần giảm chi phí, thời gian thực hiện.

Có 15 sở, ngành thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh

Sau khi Trung tâm Phục vụ hành chính công được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2019, đến nay, đã có 15 sở, ngành thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm; 100% TTHC giải quyết tại Trung tâm được tiếp nhận, xử lý qua hệ thống một cửa điện tử. Thực hiện tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích, đến nay, toàn tỉnh có 49 điểm phục vụ bưu chính tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC, qua đó rút ngắn thời gian, chi phí giúp người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, 95% TTHC cụ thể liên quan đến đầu tư và kinh doanh, các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương được công khai trên website của các sở, ngành, địa phương; tỷ lệ cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh có website và thực hiện giải quyết TTHC qua mạng đạt trên 90%. Tiếp tục phát huy hiệu quả của Chính quyền điện tử, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở cấp tỉnh đạt 77%, ở cấp huyện đạt 81%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở cấp tỉnh đạt 24%, cấp huyện đạt 9%; thực hiện TTHC qua mạng đạt trên 90%; cắt giảm khoảng 60% thời gian giải quyết TTHC so với quy định.

Hiện nhiều TTHC được rút ngắn thời gian sớm hơn thời gian quy định như: Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đã rút ngắn xuống còn 01 ngày làm việc; thời gian cấp Quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh từ 35 ngày xuống còn 12 ngày; thời gian giải quyết TTHC đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu từ 30 ngày xuống trung bình còn 22,5 ngày; thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; thời gian hoàn thuế giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm…

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, các cấp, các ngành đã cơ bản nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải thiện thứ bậc chỉ số PCI, kết quả thực hiện được doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ. Điểm số PCI của tỉnh tăng từ 53,2 điểm năm 2015 lên 61,97 điểm năm 2020. Số doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức, tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu giảm. Các thông tin được công khai, minh bạch ở mức khá cao. Mức độ am hiểu pháp luật của doanh doanh nghiệp, người dân được nâng lên… Tỉnh đã từng bước xây dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Chất lượng quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở từng bước được nâng lên.

Những kết quả công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI thời gian qua là tiền đề để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số PCI trong thời gian tiếp theo, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Hương Dịu