PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn nỗ lực giúp người dân giảm nghèo bền vững
Những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong xã hội, sự hưởng ứng của người dân. Nhờ đó, kết quả giảm nghèo của tỉnh đạt được trong giai đoạn 2016-2020 cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo

Xác định Chương trình giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ những giải pháp giảm nghèo, tích cực hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 15/01/2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020; trong đó chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ngay từ đầu giai đoạn; ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020…

Từ năm 2016-2019, tỉnh đã bố trí kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo gần 2.446 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, các địa phương đã lồng ghép với nguồn lực các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông về giảm nghèo, những năm qua, các ngành, địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; phản ánh những gương tập thể, cá nhân, đặc biệt là các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, các mô hình giảm nghèo sáng tạo, hiệu quả trên địa bàn tỉnh…Nhờ đó, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo đã đến được với người dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm…

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có trên 75.600 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách xã hội, doanh số cho vay đạt trên 2.600 tỷ đồng. Chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự họ vươn lên thoát nghèo, làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn thực sự khởi sắc, góp phần hạn chế hoạt động tín dụng đen và tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 54.068 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; 377 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; góp phần tạo việc làm cho 4.806 lao động; giúp 1.221 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa hơn 30 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng mới được 848 căn nhà cho hộ nghèo.


Các chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả đã khuyến khích người dân
vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thuộc các lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp đã được tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện kịp thời; cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện; các giải pháp nhằm giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt đã làm thay đổi đời sống nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Từ năm 2011-2019, toàn tỉnh thực hiện đào tạo nghề nghiệp cho 54.954 người, đến hết năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 40%, giải quyết việc làm cho 52.120 lao động, bình quân hằng năm tạo việc làm mới cho 5.200 người; xuất khẩu 2.712 lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 35.644 lao động.

Thực hiện chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, hỗ trợ mua thẻ BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo, tính đến hết năm 2019, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn toàn tỉnh đạt 98%, trong đó 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số tại các xã, thị trấn khó khăn và đặc biệt khó khăn đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT; các đối tượng cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí mua thẻ BHYT. Người nghèo được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để đến cơ sở y tế khám chữa bệnh; thuốc, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ y tế tại các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo luôn được đảm bảo. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 109/122 xã (đạt 89,3%) đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ về: Giáo dục và đào tạo; nhà ở; tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý; tiền điện; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủi chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai kịp thời, đúng quy định.

Những kết quả đạt được

Với nguồn lực đầu tư đáng kể cùng với sự phối hợp lồng ghép các chương trình, chính sách khác nhau đã thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy giảm nghèo hiệu quả. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 26,61%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,93% thì đến năm 2019, giảm còn 19,57% hộ nghèo và 11,33% hộ cận nghèo. Đối với các huyện nghèo (Pác Nặm, Ba Bể), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40,18% (2016) xuống còn 27,55% (2019). Năm 2020, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,5%. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện và phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020.

So với mục tiêu của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững là cả nước giảm 1-1,5% tỷ lệ hộ nghèo, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 04%/năm thì kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo qua 04 năm (2016-2019) của tỉnh Bắc Kạn là 9,38% (bình quân mỗi năm giảm 2,46%) là phù hợp với mục tiêu của Chương trình và đạt mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra (mỗi năm giảm 2%-2,5%); kết quả rà soát đánh giá huyện nghèo giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã có huyện Ba Bể thoát nghèo.

Tuy kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp… nhưng những kết quả đạt được từ công tác giảm nghèo của tỉnh thời gian qua cho thấy, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các chương trình, dự án và việc lồng ghép các nguồn lực đã tác động rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh. Các chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả đã khuyến khích các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn; củng cố hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững an ninh, quốc phòng địa phương; người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và những chính sách ưu việt của Nhà nước, từ đó tạo nên thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc./.

Hương Dịu