PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

09/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết Đề án 06
Sáng 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở và thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân, tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và là nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4 đúng lộ trình. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Việc kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với CSDL các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh, hiện đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương và 4 doanh nghiệp nhà nước; hoàn thành đồng bộ dữ liệu hơn 92 triệu mũi tiêm phòng Covid-19; thông tin về giáo dục của gần 1,9 triệu công dân; thông tin hộ chiếu của trên 1,3 triệu công dân; thông tin của trên 1 triệu thuê bao di động để giải quyết dứt điểm tình trạng SIM rác; kết nối dữ liệu để làm sạch dữ liệu tài khoản ngân hàng.

Đáng chú ý, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp đẩy mạnh ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử; cấp trên 67 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử. Công tác kiểm tra an ninh, an toàn, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được chú trọng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá những kết quả trong thực hiện Đề án 06, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số thời gian qua, song chỉ rõ đây mới là kết quả bước đầu, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm phía trước.

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông, chia sẻ cao; dữ liệu này không chỉ phục vụ phát triển Chính phủ số mà còn phục vụ nền kinh tế số, xã hội số, công dân số văn minh, hiện đại ngang tầm quốc tế, khu vực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Cùng với đó là xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai CSDLQG về dân cư. Phát triển CSDLQG về dân cư thời gian tới cần thể hiện được tính “thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, bảo đảm được an ninh an toàn cho người dân”. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến…

Tại Hội nghị, Thủ tướng chính thức công bố ứng dụng VneID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng này, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân luôn tin tưởng, sử dụng.

Thông qua VneID, cho phép người dân cập nhật thêm các thông tin cá nhân lên hệ thống CSDLQG về dân cư như trình độ học vấn, quan hệ họ hàng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiêm chủng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, viễn thông, công chức, viên chức, đảng viên…

Phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3 - 5 triệu người dân sử dụng VneID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; cung cấp 8 - 10 tiện ích nghiệp vụ ngành Công an như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; cung cấp 8 - 10 tiện ích cho người dân như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa, dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công, người dân tộc thiểu số./.

Thu Trang