PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn tham dự Hội nghị toàn quốc về xây dựng và hoàn thiện thể chế
Sáng 16/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, dự Hội nghị có các đồng chí: Phương Thị Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nông Quang Nhất - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Thị Minh Hoa - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Theo Văn phòng Chính phủ, sau khi Chính phủ được kiện toàn, trên cơ sở kế thừa những thành tựu về xây dựng và hoàn thiện thể chế của các nhiệm kỳ trước, Chính phủ tiếp tục xác định công tác quan trọng này là nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, UBND 63 tỉnh, thành phố đã tập trung tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, phòng, chống dịch Covid-19 gửi về Văn phòng Chính phủ.

Kết quả rà soát kiến nghị của các địa phương do Văn phòng Chính phủ tổng hợp liên quan đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định, 20 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 135 thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ. Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1079/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ và 10 bộ có các luật liên quan rà soát, thống nhất đề xuất sửa đổi, tập trung vào các vấn đề vướng mắc nhất để tháo gỡ “rào cản”, khơi thông “điểm nghẽn” của các quy định hiện hành, trình Chính phủ cho ý kiến và thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung 10 luật tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 vừa qua để trình Quốc hội cho ý kiến.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua 1 dự án luật và sẽ cho ý kiến 6 dự án luật tại Kỳ họp thứ hai. Trong thời gian từ sau khi được kiện toàn đến ngày 31/8, Chính phủ đã kịp thời xây dựng và ban hành 51 nghị quyết, 26 nghị định và 9 quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có nhiều nghị quyết, nghị định trực tiếp quy định các chính sách, giải pháp phòng, chống dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Chính phủ cũng trình Quốc hội nhiều báo cáo, kiến nghị để Quốc hội cho ý kiến và quyết định các giải pháp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời đưa ra các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xử lý những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, bảo đảm đời sống của Nhân dân, thực hiện "mục tiêu kép"...

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã làm rõ những bất cập, vướng mắc trong một số quy định hiện hành và góp ý về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian tới.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để có chương trình điều hành xây dựng, hoàn thiện thể chế đảm bảo khoa học, bám sát thực tiễn và đảm bảo tính khả thi. Văn phòng Chính phủ cần phân công nhiệm vụ và có lộ trình cụ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế; có đôn đốc, kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát để điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc các thể chế hiện hành trên cơ sở lấy thực tiễn làm thước đo, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật; quan tâm quán triệt pháp luật đến người dân, cơ sở. Bố trí cán bộ có thực tiễn, hiểu biết, trình độ và đầu tư về kinh phí, thời gian để tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; cơ quan liên quan nghiên cứu quy trình làm luật sao cho đơn giản, phù hợp.../.

Thu Cúc