PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn tích cực triển khai “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại”
Triển khai Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 - 2021”, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực thực hiện và đạt kết quả tích cực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tiêm phòng vắc xin dại chó tại thành phố Bắc Kạn

Theo tổ chức WHO, bệnh dại là bệnh do vi rút gây nên, gần như luôn gây tử vong sau khi người bệnh/động vật đã xuất hiện những triệu chứng lâm sàng. Thống kê hiện nay cho thấy, có khoảng 99% trường hợp bệnh dại ở người là do lây nhiễm từ chó nhà. Vi rút gây bệnh dại thường có trong nước bọt của những con vật bị mắc bệnh. Thông qua vết cắn, chúng có thể khiến những vi rút này lây sang cho người hoặc những động vật khác. Khi lây sang người, tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả trên toàn thế giới. Cách duy nhất để bảo vệ mạng sống chính là tiêm phòng trước hoặc ngay sau khi người bệnh bị phơi nhiễm.

Giai đoạn 2017 - 2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại. Số lượng người bị chó, mèo cắn trên 500.000 người buộc phải điều trị dự phòng; gây tổn thất lớn về sức khỏe, tính mạng và kinh tế khoảng hơn 3.800 tỷ đồng.

Triển khai “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 - 2021” của Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tập trung tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, tổ dân phố, lồng ghép vào các cuộc họp thôn để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác tiêm phòng vắc xin hằng năm, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh dại. Tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ 70% trở lên so với tổng đàn; duy trì các vùng, cơ sở an toàn bệnh dại và tiếp tục xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh dại để tiến tới loại trừ bệnh dại trên đàn vật nuôi.

Bắc Kạn cũng tích cực triển khai thực hiện các biện pháp giám sát dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao để chủ động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở. Thống kê, lập sổ quản lý đàn chó nuôi, tổ chức nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm khi mang chó ra ngoài, hạn chế hiện tượng chó thả rông cắn người.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân khi bị chó, mèo cào, cắn phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị và tiêm phòng vắc xin. Tiêu hủy ngay chó, mèo chết do bệnh dại, nghi mắc bệnh dại; khoanh vùng dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin dại khẩn cấp cho chó, mèo ở vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, chó, mèo được nuôi chủ yếu trong các hộ dân với mục đích nuôi làm cảnh, nuôi để trông giữ nhà, có rất ít hộ nuôi làm thương phẩm. Tình hình chăn nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tương đối ổn định, số hộ nuôi chó, mèo, tổng đàn chó, mèo thay đổi không lớn. Cụ thể, năm 2017, có trên 37.500 hộ nuôi chó, mèo, với tổng là trên 45.700 con. Đến năm 2021, tổng số hộ nuôi chó, mèo là trên 38.800 hộ, với tổng đàn là 48.300 con. Tập quán chăn nuôi, đặc biệt tại những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc nuôi chó, mèo vẫn chủ yếu thả tự do, nuôi ở quy mô hộ gia đình, với mục đích nuôi làm cảnh hoặc để trông giữ nhà nên số lượng tổng đàn tăng không nhiều.

Năm 2017, dịch dại động vật xảy ra tại 4 huyện (Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn và Chợ Mới) làm tổng số 51 con bị mắc (gồm 47 chó, 2 trâu và 2 mèo). Năm 2018, xuất hiện một con chó dại tại thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn). Từ năm 2019 đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ca bệnh dại.

Việc tiêm phòng định kỳ vào tháng 3, tháng 4 hằng năm và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung vào tháng 9, 10 với tỷ lệ đạt cao hơn mục tiêu của Chương trình. Cụ thể, tỷ lệ tiêm phòng chó, mèo năm 2017 đạt 77% so với tổng đàn, năm 2018 đạt 74%, năm 2019 đạt 80%, năm 2020 đạt 77% và năm 2021, số lượng chó, mèo được tiêm phòng lần 1 đạt 69% so với kế hoạch; hiện nay đang triển khai tiêm bổ sung.

Mặc dù, kết quả của tỉnh Bắc Kạn đạt cao hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Người dân chủ yếu thả rông chó, mèo; chưa ý thức nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm cho chó; tỷ lệ tiêm phòng vẫn chưa tạo miễn dịch quần thể cho đàn chó, mèo. Cùng với đó, một số người dân, người bị chó cắn chưa hiểu rõ tác hại của bệnh dại hoặc chủ quan, do vậy không tiêm phòng vắc xin dại cho chó hoặc khi bị chó cắn không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng… Trong thời gian tới, Bắc Kạn xác định tiếp tục triển khai Chương trình nhằm hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh dại từ chó, mèo./.

Hương Lan