PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/03/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả theo hướng bền vững
Theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện Bạch Thông về chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt theo hướng bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư cây cam sành là một nội dung sẽ được huyện ưu tiên tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, trở thành sản phẩm chủ lực của vùng kinh tế phía Tây.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cây cam sành mang lại thu nhập cao cho người dân xã Dương Phong

Bạch Thông là nơi có diện tích cây ăn quả có múi lớn nhất trong tỉnh, với diện tích 1.600 ha, trong đó, cây quýt tăng nhanh về số lượng, dẫn đến cung vượt cầu, tiêu thụ khó khăn, đầu ra phụ thuộc vào tư thương. Thời gian thu hoạch quýt chỉ từ 1,5 - 2 tháng, giá trị đạt từ 60 - 90 triệu đồng/ha. Ngược lại, diện tích cây cam sành hiện nay rất ít, khoảng 200 ha, nhưng giá trị đem lại cao gấp 3 lần cây quýt, sản lượng gần 1.600 tấn, đạt giá trị trên 31 tỷ đồng/năm, thời gian bảo quản lâu hơn. Hiện nay, người dân đã trồng được 4 loại cam gồm: Cam Vinh, cam Xã Đoài, cam V2 và cam sành, trong đó cây cam sành chiếm tỷ lệ nhiều hơn cả.

Tuy nhiên, cây cam sành Bạch Thông chưa được đầu tư đúng mức, đang có nguy cơ thoái hóa do thiếu kỹ thuật thâm canh và nguồn giống tốt. Những năm gần đây, Bạch Thông đã lồng ghép triển khai một số chương trình, dự án thâm canh, nâng cao chất lượng cây có múi theo hướng VietGAP nhằm hỗ trợ người dân thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, một số hộ đầu tư thiếu bài bản, khi kết thúc các dự án thì mô hình cũng không được nhân rộng.

Trước thực trạng đó, Đại hội Đảng bộ huyện Bạch Thông lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa ra 2 nội dung trọng tâm đó là phát triển cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đào tạo nghề. Để triển khai đúng lộ trình, huyện huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác nhau, tổ chức tuyên truyền, vận động nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, các thành phần kinh tế, đặc biệt là người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tham gia sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên canh.

Theo đồng chí Đinh Quang Hưng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết, trong 5 năm tới, huyện phấn đấu mở rộng diện tích cây cam sành lên 500 ha; xây dựng 3 mô hình trồng cam sành không hạt để phục vụ cho việc nhân rộng. Trước mắt, huyện chỉ đạo 3 xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong tập trung chuyển đổi diện tích quýt già cỗi sang trồng cây cam sành, bởi diện tích quýt thoái hóa tại ba xã này tương đối lớn.

Kiểm tra chất lượng vườn giống cây ăn quả của HTX Đồng Tiến (xã Dương Phong) để chuẩn bị triển khai dự án phát triển cây cam sành

Mới đây, huyện Bạch Thông đã tổ chức Lễ ra mắt Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến tại xã Dương Phong, với những lĩnh vực hoạt động chủ yếu như: Cung cấp cây giống (cam sành), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua nông sản cho người dân địa phương. Sau thời gian hoạt động ổn định, HTX sẽ tiến hành trồng trọt một số loại cây rau màu đặc sản; sơ chế, chế biến các loại quả có múi. Cùng với địa phương, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến sẽ góp phần vào mục tiêu phát triển cây cam sành theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, tạo ra hiệu quả kinh tế ổn định, lâu dài cho người dân./.

Thu Trang