PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/08/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông: Những mục tiêu, giải pháp phát triển văn hóa - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025
Song song với phát triển kinh tế, huyện Bạch Thông luôn quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bạch Thông lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 09 mục tiêu và 06 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội trong nhiệm kỳ.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Bạch Thông đã thực hiện đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, trong đó, văn hóa - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, đến nay, toàn huyện đã có 17 trường học đạt chuẩn quốc gia và 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn về tiêu chí “Cộng đồng học tập”. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. An sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,31% (năm 2015) xuống còn 17,47% (năm 2019), dự kiến đến hết năm 2020 chỉ còn 15,8%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân.

Phát huy những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện Bạch Thông phấn đấu nhiệm kỳ 2020-2025 đạt các mục tiêu: Đến năm 2025, toàn huyện có 24 trường học đạt chuẩn quốc gia về giáo dục; dân số toàn huyện là 32.038 người; duy trì 14 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 98% người dân có thẻ bảo hiểm y tế; 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 90% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa; đào tạo và giải quyết việc làm cho 3.500 lao động; đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 12,5%, tỷ lệ giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn đạt 20%. 


Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Duy Luân tặng hoa chúc mừng
Trường TH Nguyên Phúc đạt chuẩn quốc gia mức độ I

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Bạch Thông xác định 06 nhóm giải pháp. Trong đó, huyện tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới; đổi mới công tác quản lý giáo dục, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục. Duy trì và nâng cao các chuẩn phổ cập - xóa mù chữ và phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho địa phương. Đa dạng hóa các hình thức giáo dục cho phù hợp, nhằm tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người đều được học tập và xây dựng xã hội học tập.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; duy trì tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Quản lý tốt các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để tiếp tục duy trì 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Thực hiện tốt quy hoạch phát triển văn hóa thông tin gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và thông tin tại các xã gắn với tiêu chí nông thôn mới. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông; khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Phát huy giá trị, tiềm năng các di tích, lễ hội, thắng cảnh, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Khôi phục, giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Cùng với các nguồn lực của Nhà nước, huyện tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, khuyến khích tham gia phát triển kinh tế của người có công và gia đình người có công. Đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội. Thực hiện đa dạng hoạt động công tác xã hội, giáo dục cộng đồng, đề cao vai trò giáo dục của gia đình đối với thanh, thiếu niên về tác hại của ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Đề cao trách nhiệm của gia đình và chính quyền, đoàn thể cơ sở trong quản lý, tạo việc làm, tái hoà nhập cộng đồng cho các đối tượng xã hội.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, tăng cường phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các phần tử lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền làm mất ổn định tình hình an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp giảm nghèo, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; ưu tiên các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm cho lao động tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tập trung các giải pháp đào tạo nghề, thực hiện công tác hướng nghiệp ngay từ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... Đẩy mạnh phối hợp liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, trường nghề nhằm đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo. Nâng cao chất lượng lao động nông thôn; tăng cường nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp để tạo việc làm thêm cho lao động nông thôn./.

Hương Dịu