PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, công nhận, bảo vệ và phát huy giá trị, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và ý thức tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Di tích cấp Quốc gia động Nàng tiên tại huyện Na Rì đã được tu bổ, tôn tạo

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 152 di tích, trong đó có 58 di tích đã được xếp hạng (2 di tích Quốc gia đặc biệt, 7 di tích Quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh) và 94 di tích kiểm kê chưa xếp hạng.

Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích những năm qua đã được quan tâm. Từ nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 8 di tích cấp quốc gia gồm: Di tích Đèo Giàng, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn; Di tích Nà Pậu, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn; Di tích Khuổi Linh, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn; Di tích Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn; Di tích động Nàng Tiên, xã Lương Hạ, huyện Na Rì; Địa điểm lưu niệm Bác Hồ ở Hoàng Phài, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn; đồn Phủ Thông, huyện Bạch Thông; động Áng Toòng, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn.

Đồng thời, từ nguồn vốn ngân sách được các bộ, ngành Trung ương cấp và nguồn vốn xã hội hóa, UBND tỉnh đã thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 5 di tích cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử Phja Tắc - Nơi đặt nhà máy in tiền của Bộ Tài chính từ năm 1947 - 1953 tại xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn; Di tích lịch sử Tổng Luyên - Nơi Bác Hồ gặp gỡ, nói chuyện với Nhân dân Chợ Rã - Ba Bể trên đường đi công tác tháng 5/1945, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể; Di tích lịch sử văn hóa chùa Phố Cũ, huyện Ba Bể; Di tích lịch sử văn hóa chùa Thạch Long, huyện Chợ Mới; Di tích lịch sử văn hóa Đền Thắm, huyện Chợ Mới.

Bên cạnh việc tu bổ, tôn tạo các di tích, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Đề án lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2019 - 2025 để làm cơ sở, định hướng cho việc triển khai lập hồ sơ khoa học xếp hạng 53 di tích có giá trị cao, trình cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích theo Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hiện nay, nhiều di tích đã được khai thác, phục vụ du lịch như: Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, động Nàng Tiên, động Hua Mạ; các di tích lịch sử Nà Tu, ATK Chợ Đồn, đồn Phủ Thông, di tích Đèo Giàng... thu hút nhiều người dân, du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan. 

Di tích danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể được khai thác để phục vụ du lịch hiệu quả

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; qua kiểm kê có 291 di sản thuộc 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2013  đến nay, UBND tỉnh đã lập 20 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Kết quả có 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh sách gồm: Nghi lễ cấp sắc của người Dao”; “Chữ Nôm của người Dao”; “Chữ Nôm của người Tày”; “Lượn Slương của người Tày”; “Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể”; “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phối hợp với Viện Âm nhạc và các tỉnh có di sản Then lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 12/12/2019, UNESCO đã công nhận hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa tại nơi các di sản văn hóa phi vật thể được công bố, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó đến nay, toàn tỉnh đã có 8 câu lạc bộ hát then được thành lập và duy trì hoạt động tại các địa phương.

Thực hiện Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020", hiện nay, cơ quan chuyên môn đã thực hiện xong việc điều tra, đánh giá giá trị đối với 3 di sản văn hóa phi vật thể gồm: “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày”, “Lễ cấp sắc then” và “Nghệ thuật Múa khèn của người Mông”; mở 9 lớp truyền dạy kỹ năng thực hành 3 di sản trên; tổ chức sưu tầm hiện vật liên quan đến di sản để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và hỗ trợ cho địa phương duy trì thực hành di sản, đồng thời xây dựng 3 bộ phim tư liệu để giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa đã được đưa vào danh mục Quốc gia.

Việc tôn vinh nghệ nhân cũng được tỉnh Bắc Kạn quan tâm triển khai. Trong kỳ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú lần thứ nhất năm 2015, tỉnh Bắc Kạn có 3 cá nhân là người dân tộc thiểu số được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”; lần thứ hai năm 2017, có 1 người được phong tặng “Nghệ nhân Nhân dân”, 1 người được truy tặng “Nghệ nhân Ưu tú” và 3 người được phong tặng “Nghệ nhân Ưu tú”. Năm 2020, tỉnh tiếp tục lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể” lần thứ ba, năm 2021.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo phương thức xã hội hóa. Nhiều hoạt động được triển khai, huy động nguồn lực và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc tu bổ di tích, khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội. Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo một số di tích lịch sử cấp tỉnh như: Di tích chùa Phố cũ, chùa Thạch Long, Đền Thắm... Các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cũng được phục hồi, chủ yếu do cộng đồng tự tổ chức, hoạt động ngày càng quy củ hơn.

Di sản văn hóa là tài sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau theo hướng tích lũy trong môi trường văn hóa. Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước, của các cấp, các ngành, người dân cần nâng cao nhận thức trong giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Các địa phương phải gắn kết việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa với việc xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái văn hóa, đời sống văn hóa cộng đồng, qua đó góp phần thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh./.

Hương Lan