PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/02/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh vô cùng phong phú, đặc sắc, đa dạng và ngày càng thể hiện được vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Những năm qua, lĩnh vực di sản văn hóa đã có nhiều kế hoạch, dự án được triển khai thực hiện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá lịch sử trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/12/2019. Sau khi Nghị quyết được ban hành, các đơn vị, địa phương đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết bằng các quyết định, kế hoạch, chương trình, đề án để triển khai thực hiện.

Sau nhiều lần khôi phục và tôn tạo, chùa Thạch Long, xã Cao Kỳ (Chợ Mới) đang trở thành điểm du lịch tâm linh
hấp dẫn du khách

Hằng năm, HĐND tỉnh đã theo dõi, giám sát nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu về văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân; ban hành các nghị quyết về đầu tư nguồn lực cho thiết chế văn hóa cơ sở; tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử - văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ và đầu tư nhiều hơn, phục vụ tốt cho công tác phát triển kinh tế du lịch, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Các cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian được bảo quản, tôn tạo ngày càng khang trang hơn. Nhiều di tích đã được đầu tư, trùng tu, tôn tạo, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách tham quan, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 120 di tích, bao gồm 64 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh và 56 di tích chưa xếp hạng. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã thực hiện tu bổ, chống xuống cấp 2 di tích. Song song với việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, di sản phi vật thể cũng được phát huy. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức kiểm kê, nhận diện 204 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó hằng năm lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị.

Trong 3 năm, đã có 5 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm "Hát Pá Dung", "Lễ cấp sắc của người Dao", "Lễ Kỳ Yên", "Múa bát của người Tày", "Hát Sli của người Nùng" và 1 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam”; đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự cho 1 Nghệ nhân nhân dân và 3 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.

Tỉnh quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống
(Ảnh: Nghề dệt truyền thống của người Tày vùng hồ Ba Bể đưa vào Không gian văn hóa Hội xuân Quý Mão)

Trên cơ sở các di sản đã được ghi danh và các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu, tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề tài, dự án như: Bảo tồn và phát huy di sản thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái; lượn Cọi của người Tày, huyện Pác Nặm; nghệ thuật múa Khèn của dân tộc Mông; nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày; chữ Nôm, Lễ cấp sắc của người Dao; bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển du lịch Ba Bể..., qua đó góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá và các di sản văn hoá phi vật thể. Bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống; phát triển hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hoá phi vật thể, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đồ lưu niệm riêng có tại địa phương. Từ năm 2021 đến nay, các địa phương, đơn vị đã xây dựng 8 mô hình câu lạc bộ hát then - đàn tính cấp huyện; triển khai Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lượn Cọi”; hoàn thiện thủ tục công nhận Làng nghề rượu xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và Làng nghề sản xuất miến dong xã Côn Minh, huyện Na Rì.

Lễ hội Lồng tồng Ba Bể thu hút đông đảo người dân và du khách bốn phương

Là tỉnh có trên 88% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, hằng năm trên địa bàn tỉnh có 127 lễ hội diễn ra, trong đó có 15 lễ hội truyền thống cấp huyện, xã; 85 lễ hội văn hóa, hội xuân cấp huyện, xã; 27 lễ hội văn hóa truyền thống thôn, bản gồm lễ hội của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông. Qua đánh giá, tỉnh quy hoạch, lựa chọn bảo tồn, phát huy một số lễ hội tiêu biểu trên địa bàn gắn với hoạt động du lịch như: Hội Lồng tồng Ba Bể, Phủ Thông - Bạch Thông; Bằng Vân - Ngân Sơn; Mù Là - Pác Nặm, Chợ truyền thống xã Xuân Dương - Na Rì. Triển khai xây dựng mô hình lễ hội mới gắn liền với phát triển du lịch hồ Ba Bể, “Tuần du lịch - Di sản văn hóa Ba Bể” được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần, tạo sản phẩm văn hóa, du lịch phục vụ du khách.

Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 29-NQ/TU gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy các cấp, tiếp tục đưa mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa lịch sử vào nghị quyết của cấp ủy và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ngoài ra, tỉnh đặc biệt ưu tiên đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, nhà ở truyền thống, các công trình kiến trúc khác của đồng bào các dân tộc ở những nơi có thể khai thác phát triển du lịch. Kết hợp sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.../.

Thu Trang