PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022
Sáng 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, dự Hội nghị có lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị, sở, ngành, địa phương của tỉnh.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Năm học 2021 - 2022, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có GD&ĐT. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng. Đồng thời tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Cùng với đó, Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đảm bảo nghiêm túc và an toàn.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, Việt Nam có 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT”. Ngành tiếp tục tập trung thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Ngành; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu nêu ý kiến đề xuất trong năm học tới, ngành Giáo dục cần tập trung nâng cao chất lượng giáo viên; đẩy mạnh việc phân luồng và hướng nghiệp đối với giáo dục phổ thông; việc thực hiện tự chủ cần thực chất và đi vào chiều sâu; quan tâm triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số tại các nhà trường…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực đạt được trong năm học 2021 - 2022. Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm học vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong năm học tới, ngành Giáo dục cần tập trung phát triển giáo dục toàn diện, theo hướng phát triển đức, trí, thể, mỹ cho người học. Quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng giáo dục. Rà soát, chủ động đề xuất cơ chế để học sinh học tập được thuận lợi. Bộ GD&ĐT phối hợp nghiên cứu, đề xuất tạo điều kiện cho học sinh vùng dân tộc ít người nâng cao chất lượng học tập. Các tỉnh rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra cho điểm; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục…/.

Ngọc Tú