PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cách mạng tháng Tám năm 1945 - Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn, đầy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh
tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 (Ảnh tư liệu)

Trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao trong cả nước. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 - 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam...

Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

Hòa chung với phong trào cách mạng sục sôi cả nước, từ tháng 4 đến tháng 8/1945, quân và dân tỉnh Bắc Kạn liên tục nổi dậy đánh phát-xít Nhật ở nhiều nơi, như: Đồn Cao Kỳ, Chợ Mới (Chợ Mới); đồn Phủ Thông, Lanh Chang (nay là Lục Bình), Nà Ðinh (nay là Quang Thuận) (Bạch Thông); đồn Ngân Sơn (Ngân Sơn); phục kích chặn đánh địch ở Dương Phong (Bạch Thông) và trên dọc Quốc lộ 3 đoạn từ Nà Phặc đến Lãng Ngâm, Hương Nê (Ngân Sơn), Ðèo Giàng (Phủ Thông). Những thắng lợi này góp phần mở rộng, giữ vững vùng giải phóng, lập ra Ủy ban lâm thời châu Chợ Rã, Chợ Ðồn, Bạch Thông, Na Rì.

Thực hiện Lệnh tổng khởi nghĩa của Quốc dân đại hội Tân Trào và chủ trương của Tỉnh ủy, sáng 19/8/1945, theo đề nghị của quân Nhật, đại diện Quân giải phóng đã gặp và yêu cầu bàn giao bộ máy tay sai cấp tỉnh, kho tàng, vũ khí, công sở. Ngày 21/8/1945, các đơn vị quân giải phóng, lực lượng tự vệ và Nhân dân vùng giải phóng tiến vào thị xã, xóa bỏ chính quyền tay sai của Nhật. Ngày 23/8/1945, đoàn xe chở 400 quân Nhật rút khỏi thị xã Bắc Kạn, toàn tỉnh Bắc Kạn sạch bóng quân thù.

Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ngày 23/8/1945 được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn trong cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

***

Ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi - Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

77 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám 1945 mãi là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân và dân ta trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.

Hương Dịu (tổng hợp)