PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/04/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cảm phục nghị lực vươn lên của những người khuyết tật
Trải qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhiều người khuyết tật vẫn tràn đầy nghị lực, vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Người phụ nữ “tí hon” với đôi tay khéo léo

Chị Đàm Thị Ninh (ở ngoài cùng bên trái) nhận giải tại Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh
Bắc Kạn năm 2022

Đó là chị Đàm Thị Ninh ở thôn Hát Deng, thị trấn Yến Lạc (Na Rì). Xương đùi của chị Ninh không phát triển do dị tật bẩm sinh. Đến nay đã 41 tuổi nhưng đôi chân của chị cũng chỉ dài khoảng 50 cm. Vì dị tật, tuổi thơ của chị là những chuỗi ngày buồn tủi, đến tuổi đi học, thấy bạn bè vui đến lớp, chị cũng mong được cắp sách đến trường nhưng mong muốn của chị đã không thể thực hiện được. Không được đi học, chị quyết tâm tự học ở nhà, hằng ngày, bố, mẹ và các anh trai thay nhau dạy cho chị. Rồi chị cũng học được cái chữ. Biết đọc, biết viết, chị bắt đầu ước mơ được học một nghề gì đó để tự nuôi bản thân cũng như phụ giúp gia đình.

Năm 2005, được người quen giới thiệu cơ sở Nguyễn Nga - NNC ở Quy Nhơn chuyên dạy nghề cho người khuyết tật, chị khăn gói lên đường vào Quy Nhơn, tại đây, chị được học nghề thêu. Sau hơn một năm học, ra trường, chị cầm chứng chỉ tốt nghiệp về quê nhưng không xin được việc làm. Đến năm 2008, qua báo Người khuyết tật, chị tìm đến Trường Cao đẳng Kinh tế Du lịch Hoa Sữa ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) để nâng cao tay nghề thêu.

Với sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô nơi đây và lòng quyết tâm chiến thắng bệnh tật, chị đã tốt nghiệp loại giỏi và được nhà trường giới thiệu về công tác tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật ở Thái Nguyên. Sau một thời gian làm việc, cảm thấy công việc không phù hợp, chị lại trở về quê.

Về quê lần này, với quyết tâm mở một cửa hàng thêu cho riêng mình, được sự ủng hộ của bố, mẹ và gia đình, cuối cùng chị cũng đã thực hiện được. Nhưng niềm vui của chị không được bao lâu, bởi sau một thời gian cửa hàng chị mở ra mà không có khách. Khi đó, chị mới nhận ra thêu là một cái gì đó còn xa lạ với người dân nơi đây. Không nản lòng, chị lại trăn trở tìm hướng đi mới cho cửa hàng, nhận thấy may mặc là nhu cầu thường xuyên của người dân, chị đã quyết tâm tự học may.

Chị Ninh tâm sự: “Nhiều lúc cũng thấy nản lòng nhưng lại tự nhủ bản thân mình rằng, người bình thường người ta cố gắng một thì mình phải cố gắng hai. Mình chưa làm thợ cắt may được thì mình làm thợ sửa chữa trước”. Thế là cửa hàng thêu của cô gái tật nguyền trở thành cửa hàng chuyên sửa chữa quần áo. Nể phục nghị lực và ý chí quyết tâm của chị cộng với sự tỷ mẩn, khéo tay sẵn có, những người xung quanh mỗi khi có quần áo cần sửa chữa đều tìm đến chị. Đến nay, cửa hàng của chị lúc nào cũng đông khách.

Cửa hàng bắt đầu ăn nên làm ra là vậy nhưng chị vẫn luôn nghĩ về những khung thêu, những hoạ tiết mà khi thêu chị có thể thổi hồn mình vào trong đó. Chị vẫn mơ một ngày nào đó sẽ phát triển được nghề thêu bởi bao năm qua, chính nghề thêu đã nhen nhóm, nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích cho xã hội trong chị.

Chính ước mơ và niềm đam mê ấy đã thôi thúc chị tham gia Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2022 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chị may mắn đoạt 2 giải Khuyến khích tại Cuộc thi với 2 sản phẩm túi vải chàm và tranh thêu phong cảnh hồ Ba Bể.

Lối sống tích cực, lạc quan, không đầu hàng số phận của chị Ninh khiến nhiều người chứng kiến rất xúc động. Giờ đây, những bức tranh thêu cùng câu chuyện nghị lực của chị Ninh đã được nhiều người biết đến. Họ yêu thích sự chỉn chu, cẩn thận trong từng đường kim, mũi chỉ và đặt mua sản phẩm của chị để gửi tặng người thân, bạn bè. "Vui lắm, nhiều người động viên, mình cảm thấy phấn khởi. Sự cố gắng của mình chỉ mong được mọi người công nhận. Hy vọng sẽ có nhiều người nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của bản thân” - chị Ninh chia sẻ.

Vượt lên kỳ thị của xã hội

Anh Nông Văn Chuân chia sẻ câu chuyện của mình tại buổi tiếp kiến lãnh đạo Quốc hội nhân dịp tổ chức
chương trình Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật lần thứ IV, năm 2022

Cũng tại huyện Na Rì, anh Nông Văn Chuân ở thôn Khau An, xã Cư Lễ đã vượt lên nghịch cảnh, phá bỏ định kiến xã hội và trở thành tấm gương sáng cho những người xung quanh.

Anh Chuân bị teo liệt chân phải bẩm sinh, học hết cấp 3, anh được gia đình gom góp, vay mượn mua cho một lô đất khoảng 70 m2 ở trung tâm xã để anh mở một tiệm nhỏ bán đồ dùng học tập cho học sinh và làm nghề sửa chữa xe đạp. Những năm 2000, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật ở vùng Cư Lễ quê anh vẫn còn phổ biến. Người dân trong làng thấy chân anh Chuân bị tật thì cho rằng do nghiệp chướng của gia đình, nếu tiếp xúc với anh thì sẽ bị vạ lây, vì vậy, mọi người đều ngại đến gần anh.

Mặc cảm khiếm khuyết khiến anh không dám bắt chuyện với người xung quanh. Duy chỉ có chị Nông Thị Huyến (nay là vợ anh Chuân) chủ động hỏi thăm anh. Từ lần gặp gỡ đó về sau, anh chị thi thoảng viết thư cho nhau hỏi han sức khỏe, học tập, lao động. Nhận thấy chị Huyến là một cô gái tốt, biết đồng cảm, chia sẻ, anh Chuân mạnh dạn ngỏ lời. Sau 4 năm kiên trì tìm hiểu và quyết tâm đến với nhau, tình yêu của anh chị vững vàng vượt qua những dị nghị, phản đối của gia đình, đến năm 2003, anh chị tổ chức đám cưới.

Đối với anh Chuân, chị Huyến là một hậu phương vững chắc. Sau những nỗ lực của hai vợ chồng, kinh tế gia đình dần ổn định, anh quyết định “tách hộ, nhập thôn”, tham gia phong trào, sinh hoạt cộng đồng trước ánh mắt nghi ngờ của mọi người, rất nhiều lần anh tưởng sẽ bỏ cuộc. Song bằng cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, anh đã được người dân trong bản làng mở lòng. Vào năm 2013, anh trở thành Trưởng thôn, với tổng số phiếu bầu hơn 50%.

Từ năm 2020, anh được tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Khau An. Tháng 11/2021, anh được bầu làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Na Rì nhiệm kỳ 2021 - 2026. Con trai lớn của anh chị hiện đang học năm thứ 2 Trường Sĩ quan Chính trị, con út năm nay 5 tuổi đang học mẫu giáo. Các con đều ngoan và khỏe mạnh. Vợ chồng anh là thành viên của Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc xã Cư Lễ, được Hội Khuyến học xã Cư lễ tặng Giấy khen “Gia đình học tập tiêu biểu” giai đoạn 2015 - 2020. Anh Chuân được Huyện đoàn Na Rì trao giấy chứng nhận "Thanh niên tiêu biểu năm 2016", được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen các năm 2018, 2019 và Bằng khen giai đoạn 2015 - 2020. Hiện gia đình anh chị đang mở xưởng sản xuất chổi chít và vận động được 2 người khuyết tật cùng tham gia, tạo việc làm và thu nhập cho một số lao động khuyết tật tại địa phương.

Có thể nói, nghị lực vượt khó, vươn lên của chị Ninh và anh Chuân thật đáng khâm phục. Chính những chia sẻ, cảm thông và trao cơ hội cho người khuyết tật của cộng đồng, xã hội là động lực, nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy người khuyết tật nỗ lực vươn lên. Họ có quyền và hoàn toàn có khả năng sống hạnh phúc như tất cả mọi người./.

Thu Trang