PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/07/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Câu chuyện xây dựng OCOP ở Bắc Kạn

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khởi nguồn của Câu chuyện OCOP

 

Được thiên nhiên ưu đãi với đa dạng các loại đặc sản, nguồn nguyên liệu, cùng với sự sáng tạo trong chế biến của con người mỗi vùng gắn với điều kiện sinh sống đặc thù đã tạo cho những sản vật mang nét đặc sắc riêng của Bắc Kạn. Tuy nhiên, những sản vật đó lại chưa thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người biết cho đến khi Bắc Kạn triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.  

 

Năm 2016, sau khi đến thăm và tìm hiểu Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại tỉnh Quảng Ninh, nhận thấy Chương trình sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, Bắc Kạn đã nhanh chóng bắt tay thực hiện nhiệm vụ. Tỉnh đã triển khai ngay công tác tuyên truyền, khảo sát và xây dựng Đề án. Đến năm 2018, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020”, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn” (OCOP Bắc Kạn) giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

 

Bắc Kạn mong muốn, Đề án sẽ thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Và như thế “Câu chuyện OCOP” của Bắc Kạn bắt đầu.

Nghiên cứu, học tập để nâng tầm sản phẩm

 

Khi Chương trình OCOP nhen nhóm khởi thảo, các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn chủ yếu được sản xuất, chế biến theo phương thức truyền thống và cung cấp cho người dân quanh khu vực là chủ yếu. Sản phẩm nông nghiệp chưa có tính cạnh tranh cao với những mặt hàng của tỉnh ngoài.

 

Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi tư duy, hình thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển khu vực nông thôn một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan; kết quả triển khai của các tỉnh trong nước và bài học kinh nghiệm thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh, năm 2018, Bắc Kạn bắt đầu triển khai trên địa bàn. Chương trình OCOP được Bắc Kạn kỳ vọng sẽ góp phần triển khai các chủ trương xây dựng “Chính phủ kiến tạo và hành động”, “Quốc gia khởi nghiệp” của Chính phủ; góp phần quảng bá, nâng tầm hình ảnh của Bắc Kạn, người dân nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện giảm nghèo bền vững.

 

Vì vậy, khi thực hiện OCOP, Bắc Kạn đã tập trung nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại. Các sản phẩm được lựa chọn phát triển đa dạng từ đồ uống, thảo dược, vải may mặc đến đồ lưu niệm, nội thất, trang trí, sản phẩm du lịch nông thôn... Khi triển khai, đã có rất nhiều chủ thể tham gia sản xuất như: Hợp tác xã, tổ hợp tác, công ty TNHH, công ty cổ phẩn, doanh nghiệp tư nhân, hộ sản xuất, kinh doanh... Để đảm bảo Chương trình đạt hiệu quả, hằng năm, tỉnh đều tổ chức sơ kết, đánh giá những kết quả phát triển và thương mại hóa sản phẩm, từ đó phân hạng để có giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại hoặc cải tiến sản phẩm cho phù hợp.

 

Trong quá trình thực hiện Chương trình, Bắc Kạn đã triển khai nhiều hợp phần, trong đó các hợp phần quan trọng là hình thành và tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tại cộng đồng, dưới dạng HTX và doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển sản phẩm; xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực tại cộng đồng tham gia OCOP. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.

 

Với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chuyên môn, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Chương trình đã nhanh chóng được các địa phương tiếp nhận và triển khai sâu rộng đến người dân, trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào khởi nghiệp.

Sản phẩm từ làng ra phố...
 

Đến nay, Bắc Kạn có 155 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao Quốc gia, 11 sản phẩm 4 sao, 143 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Kết quả trên vượt xa so với mục tiêu ban đầu của Chương trình là phát triển sản xuất kinh doanh ít nhất từ 30 - 40 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh. Các sản phẩm OCOP ngày càng được đầu tư nâng cấp, đạt tiêu chuẩn được người tiêu dùng đón nhận; cộng đồng các doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP ngày càng có bước trưởng thành và phát triển.

 

Tham gia Chương trình, các sản phẩm đã được nâng tầm giá trị, ngày càng nâng cao về chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hóa về bao bì, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường. Hàng loạt những sản phẩm truyền thống, đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh được nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị theo hướng thương mại hoá như: Miến dong Tài Hoan, Nhất Thiện, Triêu Thị Tá, Huấn Liên…; các sản phẩm tinh bột nghệ; chè, trà hoa vàng, gạo, bún phở khô, các sản phẩm từ thịt lợn…

 

Tỉnh cũng tổ chức hội chợ OCOP; tổ chức tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm OCOC của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Voso.vn của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và nhiều sàn thương mại khác. Các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn cũng phối hợp Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn, các sàn thương mại điện tử tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ kết nối, hướng dẫn tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập người dân

 

Chương trình OCOP thực sự đã trở thành người bạn đồng hành nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

 

Sự dẫn đường từ Chương trình OCOP đã mang lại những khởi sắc cho xây dựng nông thôn mới khi thu nhập của chủ thể chính là người dân được từng bước ổn định và nâng cao. Điển hình như HTX Tài Hoan, huyện Na Rì, doanh thu năm 2021 đạt 21 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động chính thức và 500 thành viên liên kết. Thu nhập của người lao động đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng.

 

Còn HTX Nông nghiệp Tân Thành, thành phố Bắc Kạn đã có 16 sản phẩm chế biến từ nghệ, trong đó có 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng 4 sao là tinh bột nghệ nếp đỏ cao cấp và tinh bột nghệ nếp đen cao cấp. Vài trăm thành viên liên kết đã có địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, đầu ra thuận lợi, không còn lo “được mùa mất giá”.

 

Không chỉ phát triển các sản phẩm nông sản, đến đầu năm 2022, Bắc Kạn đã có Homestay Quỳnh Mai và Ba Bể Green homestay ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể là hai mô hình đạt chứng nhận OCOP 3 sao dành cho những sản phẩm lĩnh vực du lịch. 

OCOP Bắc Kạn trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng

 
Sau 5 năm triển khai, Bắc Kạn là một trong những địa phương đứng trong top đầu cả nước về triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. 

Việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng, nhằm khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời làm thay đổi tập quán sản xuất cũ, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong Nhân dân, hướng người dân phát triển sản xuất định hướng kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn./.

Tác giả Hương Lan; trình bày Thu Cúc