PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp phát triển
Những năm qua, Bắc Kạn đã triển khai nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Nhiều hộ dân được vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp
 (Ảnh: Vườn bí xanh tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể)

Trên cơ sở định hướng về phát triển vùng nguyên liệu theo Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã phân vùng nguyên liệu cho từng loại cây trồng, vật nuôi tiềm năng thuộc nhóm đặc sản, đặc hữu của tỉnh như cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối, dong riềng, chè, trâu, bò, lợn, dược liệu, lâm nghiệp… phù hợp với điều kiện kinh tế và định hướng phát triển sản xuất sản phẩm nông sản theo hướng hàng hóa của mỗi địa phương.

Để khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Triển khai thực hiện các Nghị quyết trên, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tới việc cho vay đáp ứng chi phí sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, dư nợ khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đến hết tháng 3/2023 đạt trên 2.346 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng dư nợ.

Việc đầu tư tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn đã góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Diện mạo vùng nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao.

Năm 2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh phấn đấu tổng nguồn vốn huy động đạt 4.905 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay đạt 3.680 tỷ đồng, tăng 341 tỷ so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng 7%. Trong đó tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn và các đối tượng ưu tiên khác.

Ngoài Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân vay vốn phát triển nông nghiệp; nâng tổng huy động vốn các ngân hàng trên địa bàn ước thực hiện đến 31/5/2023 đạt 12.780 tỷ đồng.

Nhờ các nguồn vốn được vay, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị. Các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm các loại được duy trì và nhân rộng như gạo chất lượng cao, các sản phẩm chế biến từ gạo, chè hàng hóa, sản phẩm chế biến từ củ nghệ, miến dong, dược liệu... Về chăn nuôi, hình thành và ổn định các chuỗi giá trị hiện có trên địa bàn tỉnh. Về lâm nghiệp, tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết giữa chủ rừng gồm hộ gia đình, nhóm hộ với các nhà máy, cơ sở chế biến…

Phát triển kinh tế nông nghiệp thời gian qua đã đem lại hiệu quả, qua đó thu hút được lực lượng lao động cho nông nghiệp, lực lượng lao động trong nông nghiệp của tỉnh đến nay có trên 89.000 người, cơ cấu lao động nông nghiệp chiếm 68,02%. Hiện nay, toàn tỉnh có 276 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 2 liên hiệp hợp tác xã, 391 tổ hợp tác gồm 4.725 thành viên; 10 trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp…

Thời gian tới, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các dự án cam kết đầu tư, cho vay hỗ trợ lãi suất theo các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đối với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó chủ yếu để phát triển nông nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương./.

Hương Lan