PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp, ngành trong tỉnh chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện; từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để thực hiện công tác quản lý nhà nước về lao động việc làm và dạy nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó có Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND ngày 8/4/2024 về danh mục ngành, nghề và định mức kinh tế - kỹ thuật 31 ngành, nghề đào tạo dưới 3 tháng và 6 ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp áp dụng trên địa bàn tỉnh; xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho 11 ngành, nghề áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn…

Trường Cao đẳng Bắc Kạn đa dạng các ngành nghề đào tạo cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn  

Thực tế, đối với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở các huyện trong tỉnh đều đã tập trung điều tra, khảo sát nhu cầu của người học để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo; đồng thời xây dựng chương trình theo hướng mở, sát với yêu cầu, nguyện vọng của người học và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Lý Đức Khánh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Rì, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức mở được 6 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Căn cứ nhu cầu và đăng ký của người dân, đơn vị đã mở lớp đào tạo nghề “Nuôi và phòng trị bệnh cho gà và thủy cầm” tại các xã Quang Phong, Dương Sơn và Xuân Dương với tổng số hơn 200 học viên.

Cũng như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Rì, các đơn vị có chức năng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều ban hành kế hoạch và có nhiều hoạt động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bảo đảm học viên có thể áp dụng ngay các kiến thức vào thực tế sản xuất của gia đình, có thể tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.  

“Ở tất cả các lớp đào tạo nghề do đơn vị tổ chức, cùng với truyền đạt lý thuyết, giảng viên luôn chú trọng đến nội dung thực hành. Chính vì thế, kết thúc khóa học là học viên có thể áp dụng các kiến thức vào thực tế, góp phần đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Trần Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Mới cho biết.

Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn thực hiện kế hoạch tuyển sinh và đào tạo nghề cho 6.000 người (trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.000 người); giải quyết việc làm cho 6.400 người; đưa 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.000 người…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, việc đào tạo nghề cho lao động có chuyên môn đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương đang được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối người lao động với doanh nghiệp

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu hơn 40 doanh nghiệp đến các huyện, thành phố để phối hợp tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã xây dựng các chương trình, bản tin tư vấn trực tuyến, phát trực tiếp trên facebook vào thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần; thường xuyên cập nhật các đơn hàng, vị trí việc làm trống tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đơn hàng đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và đi làm việc có thời hạn tại các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hy Lạp… được đăng tải đầy đủ, kịp thời trên cổng thông tin điện tử ở địa chỉ: http://vieclambackan.gov.vn/ và Facebook, Zalo... của đơn vị.

Tham dự một buổi tư vấn giới thiệu việc làm và tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, chị Lô Thị Tiến ở xã Yên Hân (Chợ Mới) chia sẻ, sau khi nghỉ việc tại một công ty ở tỉnh Thái Nguyên, để tìm kiếm việc làm, chị đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để vừa nghe tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, vừa tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, mong muốn tìm kiếm việc làm phù hợp.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục triển khai các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động tại các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Đồng thời tổ chức tốt hoạt động tư vấn về chính sách việc làm, giáo dục nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu tuyển dụng cho người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện./.

Thu Trang