PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/03/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nâng tầm nông sản địa phương
Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Mỗi xã/phường một sản phẩm” (OCOP) giúp nâng cao giá trị nông sản của các địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bắc Kạn có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đa dạng. Tuy nhiên những năm trước đây, các sản phẩm phần lớn khó tiêu thụ hoặc chưa được thương mại hóa trong và ngoài tỉnh, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn còn hạn chế. Nguyên nhân là do phần lớn được sản xuất theo dạng kinh tế hộ hoặc nhóm hộ, sản xuất theo phong trào hoặc tự phát, ít hiểu biết về thị trường, đặc biệt chưa chú trọng khai thác các lợi thế ở vùng nông thôn; trình độ sản xuất còn hạn chế, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất còn thô sơ, đơn giản. Các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác phần lớn chưa tạo được liên kết sản xuất giữa các thành viên, giữa thành viên với HTX và giữa HTX với tổ chức kinh tế khác, do đó chưa mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động cầm chừng. Các sản phẩm còn đơn giản, mẫu mã chưa được chú trọng đi đôi với chất lượng nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường…

Miến dong của HTX Tài Hoan được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, danh tiếng miến dong Bắc Kạn
ngày càng được khẳng định

Miến dong là một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Kạn được người dân chế biến từ củ dong riềng. Năm 2012, miến dong Bắc Kạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Việc xây dựng thành công và công bố nhãn hiệu tập thể, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đã nâng cao uy tín, hình ảnh của miến dong Bắc Kạn đối với thị trường trong nước. Khi Chương trình OCOP được triển khai thực hiện, giống như HTX Miến dong Tài Hoan, các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ cải thiện chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm và hỗ trợ xúc tiến thương mại, nhờ vậy, miến dong Bắc Kạn ngày càng nâng cao chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm miến dong được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao như miến dong của: HTX Tài Hoan, HTX Côn Minh, cơ sở sản xuất Hoàng Thị Mười, cơ sở Nông Văn Luyến… Chất lượng được nâng lên, thị trường được mở rộng, các cơ sở ngày càng phát triển sản xuất, đặc biệt năm 2020, HTX Tài Hoan xuất khẩu được miến dong sang Châu Âu, danh tiếng của miến dong Bắc Kạn lại càng được khẳng định.

Sản phẩm OCOP được trưng bày giới thiệu tại các hội nghị, sự kiện lớn của tỉnh
(Ảnh: Gian hàng OCOP của huyện Ba Bể tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG
xây dựng nông thôn mới)

Cùng với miến dong Bắc Kạn, nhiều sản phẩm khác của tỉnh Bắc Kạn đã được nâng cao giá trị từ Chương trình OCOP. Các sản phẩm được quan tâm về mẫu mã, bao bì, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm nâng cao. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 131 sản phẩm của các cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 118 sản phẩm 3 sao và 13 sản phẩm 4 sao (có 2 sản phẩm 4 sao đang hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP Quốc gia là miến dong Tài Hoan và Nano Curcumin Bắc Hà). Nhiều sản phẩm đã được đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị lớn như Big C, Vinmart, Hapro… và được bán qua các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Voso… Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 9 HTX, cơ sở sản xuất được ký kết hợp đồng đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Big C.

Theo chị Lý Thị Niên - Giám đốc HTX Bún phở Quỳnh Niên, tham gia Chương trình OCOP, quá trình sản xuất tại HTX được quản lý chặt chẽ đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; các sản phẩm đều có đầy đủ tem nhãn, mã vạch để truy suất nguồn gốc. Năm 2019, cả sản phẩm Bún khô và Phở khô của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong siêu thị Big C. Năm 2020, sản phẩm Phở khô được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Từ khi sản phẩm Bún và Phở khô của HTX được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, khách hàng đánh giá cao và tin dùng sản phẩm. Qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, khách hàng biết đến sản phẩm của HTX nhiều hơn và sức tiêu thụ cao hơn trước khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP. Hiện nay, HTX dự định đầu tư thêm máy móc thiết bị phù hợp để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa.

Đại diện HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố (bên trái) ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với siêu thị Big C

Đối với HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới), qua những chính sách và cơ chế hỗ trợ của các chương trình, đặc biệt là Chương trình OCOP, HTX đã xây dựng được phương án sản xuất cụ thể với những mục tiêu, yêu cầu phù hợp với xu hướng thị trường, năng lực và trình độ canh tác của người dân. Sản xuất của HTX có sự đổi mới sang hướng sản xuất theo quy trình, có truy xuất thông tin sản phẩm, từ bán sản phẩm thô sang sơ chế, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng. Từ năm 2018 đến nay, HTX đã có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao là: Trà mướp đắng rừng, Chè Như Cố, Bún khô Bắc Kạn, Mật ong hoa rừng. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, các sản phẩm trên của HTX được mở rộng quy mô sản xuất, mẫu mã bao bì được quan tâm phù hợp với thị hiếu khách hàng, giá trị sản phẩm được tăng lên. Cụ thể như sản phẩm Chè Như Cố trước đây chưa được công nhận sản phẩm OCOP giá bán chỉ từ 100 - 150.000 đồng/kg, đến nay giá bán thấp nhất là 300.000 đồng/kg với loại móc câu thông thường, 500.000 đồng/kg đối với loại móc câu đặc biệt và 1,5 - 2 triệu đồng/kg đối với loại trà đinh. Sản phẩm Bún khô từ quy mô sản xuất 10 tấn/năm thì nay đã tăng lên 35 tấn/năm. Sản phẩm Mật ong tăng sản lượng từ 500 lít/năm lên 1.200 lít/năm; giá bán trước đây từ 100 - 120.000 đồng/lít thì nay đã bán được với giá 300.000 đồng/lít. Trà mướp đắng rừng đã được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Big C, có mặt tại thị trường các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… , được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lựa chọn làm sản phẩm mẫu trưng bày tại Hội nghị tập huấn trực tuyến cho các cơ sở Đoàn trên toàn quốc và đặt hàng làm quà tặng tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định, Chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn đã giúp người dân nâng cao trình độ nhận thức, từng bước tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nắm bắt tốt thông tin thị trường. Từ đó, quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt nhất theo quy chuẩn để tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm nông sản của tỉnh được nâng cao về chất lượng, giá trị sản phẩm./.

Hương Dịu