PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/04/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chuyển biến sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng ở Bạch Thông
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Bạch Thông đã thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Bạch Thông xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm cần quyết tâm thực hiện là: Chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương giai đoạn 2020 - 2025.

Cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu

Cụ thể hóa nghị quyết, UBND huyện đã xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, mục tiêu đặt ra trong 5 năm, huyện Bạch Thông sẽ phát triển thêm 200 ha, nâng tổng số diện tích cây hồi lên 600 ha, tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa hàng nghìn tấn hồi mỗi năm. Ngay trong năm 2021, Dự án trồng cây hồi được huyện Bạch Thông triển khai thực hiện tại 3 xã gồm: Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn, diện tích thực hiện 100 ha, với 271 hộ đăng ký thực hiện với kinh phí trên 200 triệu đồng. Năm 2022, huyện Bạch Thông tiếp tục hỗ trợ người dân trồng thêm 100 ha cây hồi. Để Dự án triển khai đạt kết quả, ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, huyện thực hiện hỗ trợ sau đầu tư cho một số hợp tác xã chế biến để tăng giá trị kinh tế cũng như đầu ra ổn định cho sản phẩm hồi tại địa phương. Như vậy, chỉ sau khoảng 2 năm, huyện Bạch Thông hoàn thành mục tiêu đưa diện tích cây hồi lên 600 ha như kế hoạch đề ra. Nhiệm vụ tiếp theo sẽ tập trung vào thâm canh, cải tạo, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong trồng, thu mua, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị của cây hồi.

Bạch Thông thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi dần vùng quýt thoái hóa sang trồng cam sành
(Ảnh: Vườn cây giống cam sành của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến tại xã Dương Phong)

Hiện nay, toàn huyện Bạch Thông có 1.405 ha quýt, 340 ha cam, sản lượng khoảng 14.000 - 16.000 tấn. Do được trồng từ nhiều năm trước, kỹ thuật canh tác chưa bảo đảm khiến cho nhiều diện tích vùng trọng điểm quýt của huyện bị thoái hóa. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả có múi, cuối năm 2021, huyện Bạch Thông tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn để tìm giải pháp phát triển bền vững vùng trồng cam, quýt của huyện; đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân thâm canh, tái canh, cải tạo và chuyển đổi dần diện tích quýt thoái hóa, tăng dần diện tích cam sành lên khoảng 500 ha.

Chủ tịch UBND xã Dương Phong Bế Xuân Trường cho biết, xã đã tích cực thực hiện thâm canh, tái canh, chuyển đổi dần vùng quýt thoái hóa sang trồng cam sành, vừa giúp địa phương phát triển bền vững vùng trồng cây có múi, đồng thời cũng là bước đi của địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đào tạo nghề

Trong hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương giai đoạn 2020 - 2025, cũng là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhờ các giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật, trong năm học 2020 - 2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 96,2%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,8%; chất lượng giáo dục ở các lĩnh vực phát triển đối với trẻ mầm non đều đạt 100% trở lên. Toàn bộ 14/14 xã, thị trấn duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2; 14 xã, thị trấn, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.

Ngoài 2 nhiệm vụ trọng tâm, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng khác cũng được toàn huyện triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả khả quan. Bằng nỗ lực vượt khó, huyện Bạch Thông đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt cả năm đạt trên 4.000 ha, tổng sản lượng 21.273 tấn, đạt 100,58% kế hoạch; tổng diện tích cây ăn quả 2.066 ha, diện tích cho thu hoạch 1.480 ha, tổng sản lượng đạt 15.743 tấn, về năng suất, sản tượng cơ bản đều đạt chỉ tiêu giao; trồng rừng được 416 ha, đạt 104,2% chỉ tiêu tỉnh giao; độ che phủ rừng đạt hơn 79%; có thêm 16 sản phẩm OCOP cấp huyện và 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Xã Quân Hà về đích trong xây dựng nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn của huyện lên 4 xã. So với lộ trình đặt ra đến năm 2025, số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới của Bạch Thông là 2 xã, huyện đã sớm hoàn thành mục tiêu này trong năm 2021... 

Đây là tiền đề, là động lực quan trọng để Bạch Thông phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra./.

Thu Trang